(Baoquangngai.vn)-
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp phòng, chống dịch Covid-19;… và một số nội dung quan trọng khác. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương chủ trì buổi thảo luận tại điểm cầu Quảng Ngãi.
[links()]
Trong sáng nay, các ĐBQH thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Liên quan đến nội dung về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995, điều chỉnh chuẩn nghèo và bảo đảm hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34/2019 sửa đổi bổ sung quy định về cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thôn, tổ dân phố. ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến kiến nghị chúng ta xem xét sửa đổi nâng mức hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ. Vì mức hỗ trợ hiện nay không tạo động lực cho đối tượng này, ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền cơ sở.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận. |
Đánh giá kết quả tình hình KT – XH năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022, ĐBQH Lương Văn Hùng bày tỏ nhất trí với quan điểm chỉ đạo, các giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới nhằm phục hồi nền kinh tế, đảm bảo chống dịch và an sinh xã hội.
ĐBQH Lương Văn Hùng đề nghị Chính phủ sớm có phương án phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải, đặc biệt là du lịch và thị trường bất động sản. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vì từ đầu năm đến nay nhiệm vụ này rất chậm, cần thúc đẩy trong quý IV cho các địa phương để phục hồi kinh tế.
Theo ĐBQH Lương Văn Hùng việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là quyết định mang tính lịch sử, nhằm tạo bước đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021 – 2030. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị Chính phủ cần sớm giải ngân thực hiện chương trình nhằm góp phần thay đổi bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tới.
ĐBQH Lương Văn Hùng cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm bố trí nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM một cách thiết thực theo hướng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
ĐBQH Lương Văn Hùng tham gia thảo luận |
Tham gia ý kiến liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Coivid-19 thông qua phát huy nền tảng của "Hệ tri thức Việt số hóa" là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai tiếp tục các dự án thuộc đề án Chính phủ “Phát triển hệ tri thức Việt số hoá”, tránh tình trạng trong thời gian vừa qua các bộ, ngành triển khai và đưa vào sử dụng quá nhiều các ứng dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây khó khăn, phức tạp cho người dân; thẩm định tính ổn định, chính xác, hiệu quả của các phần mềm trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi, tạo sự kết nối, liên kết giữa các ứng dụng.
Theo đại biểu Hương, đại dịch Covid- 19 tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống xã hội và ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. Trong tình thế đó ngành đã triển khai dạy học trực tuyến với nhiều khó khăn thách thức không những đối với học sinh đặc biệt là học sinh bậc tiểu học, với thầy cô giáo cũng chịu nhiều áp lực, sự không đồng đều giữa các vùng miền, rồi cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật. Để học sinh sớm trở lại trường học (trong trạng thái bình thường mới), đề nghị Bộ Y tế sớm quyết định loại vắc xin tiêm cho trẻ em để triển khai. Trong điều kiện nguồn cung ứng vắc xin hạn chế, đề nghị ưu tiên nhóm đối tượng học sinh lớp 9 và bậc THPT.
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Chính phủ có lộ trình phù hợp cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, xây dựng điều kiện và quy định cụ thể về việc mở cửa cho từng địa bàn, lĩnh vực với đối tượng cá nhân và tổ chức kinh tế, tùy thuộc vào độ bao phủ vắc xin, khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh, theo tinh thần phải đáp ứng yêu cầu an toàn lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, nóng vội. Giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển cần phải được thực hiện cẩn trọng, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động, bảo đảm an toàn, thống nhất từ trung ương tới địa phương gắn với áp dụng công nghệ đi cùng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Xây dựng phương án mở cửa đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát; thí điểm trong phạm vi phù hợp việc áp dụng thẻ thông hành xanh đối với những người đã tiêm đủ mũi vắc xin và được công nhận miễn dịch trong thời hạn nhất định…
ĐBQH Vũ Thị Liên Hương tham gia thảo luận. |
Chiều nay (21/10), Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sau khi Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các ĐBQH về họp tại tổ và tiếp tục thảo luận 2 dự án Luật này.
Tin, ảnh:
N.ĐỨC