Quốc hội thảo luận tại tổ về một số dự án luật

06:10, 20/10/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 20/10, sau khi nghe một số báo cáo, tờ trình tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. 
[links()]
 
Các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tại tổ dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy.
 
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi luật này nhằm đảm bảo đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 
 
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, ĐBQH Lương Văn Hùng tán thành việc bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS), vì cho rằng BLHS quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý. 
 
Mặc dù Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS; tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS, nhưng ngoài hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, thì khoản 1 Điều 226 BLHS còn quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy điều hành thảo luận tổ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy điều hành thảo luận tổ
Theo ĐBQH Lương Văn Hùng, nếu sửa đổi theo hướng chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm sự thống nhất về chính sách hình sự, không bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách hình sự, không bảo đảm sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp.
 
Cùng với đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và các ĐBQH tỉnh cũng góp ý một số nội dung liên quan đến các nội dung về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 về tạm đình chỉ việc giải quyết  tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 BLTTHS về tạm đình chỉ điều tra;... trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. 
 
Đại biểu mong muốn Quốc hội nghiên cứu sửa đổi toàn diện BLTTHS do sau hơn 3 năm thi hành đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện KT - XH của nước ta hiện nay.
 
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận.
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, ĐBQH  Huỳnh Thị Ánh Sương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, về nhóm chỉ tiêu thứ 15 về giáo dục, theo dự thảo nhóm này có 4 chỉ tiêu, nhưng các chỉ tiêu chỉ tập trung phản ánh về con số và tỷ lệ học sinh, sinh viên; chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố liên quan đến giáo dục và chất lượng giáo dục. 
 
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cần bổ sung một số chỉ tiêu liên quan đến giáo dục, như: Cơ sở vật chất; số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục theo học các trường chuyên nghiệp Đại học, Cao đẳng, học nghề,… “Như vậy, sẽ có nhiều cơ sở dữ liệu để đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu giáo dục; chất lượng dạy và học (nhất là khu vực đồng bào DTTS, vùng KT - XH khó khăn; chất lượng cung ứng nguồn lao động và là dữ liệu để nghiên cứu chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực”, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương nói. 
 
Về nhóm chỉ tiêu 18 - Mức sống dân cư, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số chỉ tiêu liên quan về: Tiêu dùng lương thực, thực phẩm; về thể trạng, thể chất của nhân dân để phản ánh toàn diện hơn về nhóm chỉ tiêu Chất lượng dân cư.   
 
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.
Tin, ảnh: N.ĐỨC
 

.