(Baoquangngai.vn)-
Chiều 21/10, tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ hai tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về hai dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và tiến hành thảo luận tại tổ về hai dự án luật trên.
[links()]
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy, các ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh hai dự án luật. Các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật CSCĐ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thay mặt Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự thảo Luật CSCĐ. Dự thảo luật gồm 5 chương, 31 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật thể hiện, Nhà nước xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển CSCĐ. Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng CSCĐ trong sạch, vững mạnh.
Tham gia góp ý dự thảo Luật CSCĐ, ĐBQH Lương Văn Hùng thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành luật này.
Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, sau gần 8 năm thực hiện Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, tình hình về an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi tăng cường quản lý an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, làm hạn chế năng lực thực thi pháp luật của lực lượng CSCĐ. Sau khi Luật CSCĐ được ban hành sẽ giúp cho lực lượng CSCĐ có căn cứ thực thi pháp luật nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, đặc biệt trấn áp được những hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV |
Về hệ thống tổ chức của CSCĐ, đại biểu Lương Văn Hùng thống nhất phương án 1 tại Điều 13 dự thảo luật theo hướng quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân. “Quy định như trên sẽ bảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như không phải sửa đổi Luật CSCĐ nhiều lần”, đại biểu Lương Văn Hùng nói.
Về nguyên tắc phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng khác và chính quyền địa phương quy định tại Điều 19 dự thảo luật chưa quy định về trách nhiệm và chế độ chính sách của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ CSCĐ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, cần bổ sung quy định về phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài của CSCĐ được tiến hành.
Ngoài ra, đại biểu Lương Văn Hùng cũng cho rằng toàn bộ dự thảo luật chưa quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm Luật CSCĐ và vi phạm pháp luật khác của cán bộ, chiến sĩ CSSĐ và cá nhân, tổ chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Các ĐBQH khóa XV của tỉnh tham gia thảo luận tổ tại điểm cầu Quảng Ngãi |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đề xuất sửa đổi, bổ sung 92 Điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, chủ yếu tập trung sửa đổi những nội dung: đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chính sách của Nhà nước về Sở hữu trí tuệ, các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, thời hạn bảo hộ quyền tác giả…
Qua thảo luận, các đại biểu đồng nhất tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các đại biểu cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn đang còn những bất cập, vướng mắc, chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, hướng tới thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới.
Ngày 22/10, Quốc hội sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ ba với nhiều nội dung quan trọng như thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Tin, ảnh:
N.ĐỨC