(Baoquangngai.vn)- T
iếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc khóa XV, ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Thảo luận về dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc phân nhóm cơ chế, chính sách đặc thù càng rõ ràng, sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng lộ trình thực hiện và việc tổ chức tổng kết, đánh giá.
[links()]
Tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; các ĐBQH khóa XV của tỉnh và các đại biểu khách mời.
Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất... Hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết này, đa số các ý kiến đều nhất trí với việc cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho các tỉnh. Nhiều ĐBQH kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo động lực cho phát triển bền vững. Một số, ĐBQH đề nghị Chính phủ có các chỉ tiêu rõ ràng để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương. Đồng thời, đề xuất cần có thêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu để thể hiện đây không phải là cơ chế xin - cho, phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù. Việc tạo cơ chế đặc thù cũng sẽ tạo cơ hội cho những lãnh đạo địa phương có năng lực, dám nghĩ, dám làm…
Toàn cảnh phiên họp tại Nhà Quốc hội |
Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến phạm vi điều chỉnh và xác định nhóm chính sách, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ, cơ quan thẩm tra nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm, như: Nhóm Cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính - ngân sách để tạo động lực phát triển - tăng cường nguồn ngân sách, đầu tư phát triển địa phương, như đầu tư; phân bổ tài chính - ngân sách; tỷ lệ giữ lại các khoản phí, lệ phí; nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh; tỷ lệ vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương vay.
Nhóm Cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước, như phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp; nâng cao Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Nhóm Cơ chế, chế chính sách đặc thù khác, đặc trưng riêng, gắn với đặc điểm; vị trí địa lý; định hướng phát triển và nhiệm vụ đặc biệt của từng địa phương; giúp địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như: Thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; cho phép ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, việc phân nhóm cơ chế, chính sách đặc thù càng rõ ràng, sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng lộ trình thực hiện và việc tổ chức tổng kết, đánh giá. Và về lâu dài Chính phủ cũng cần thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển ngành mang tính chiến lược, như: phát triển các trung tâm công nghệ cao; phát triển kinh tế số; phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm (như: Bắc Bộ, miền trung, phía nam và đồng bằng sông Cửu Long) để tạo động lực; phát triển địa bàn trọng yếu; đầu tư phát triển miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững và tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn.
Trên cơ sở đó thí điểm, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh (địa phương), Vùng kinh tế, Ngành chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận |
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng bày tỏ quan tâm đến nội dung Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong dự thảo Nghị quyết. Dẫn chiếu quy định của Luật Đất đai, tại Điều 58 về Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì: Khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ cân nhắc, giải trình rõ việc cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa) mở rộng hạng mức quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của từ dưới 20 ha lên quy mô dưới 50 ha và việc quy định thực hiện vấn đề này “theo trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai”.
Đồng thời, cần giải trình rõ về quy trình thực hiện các trình tự, thủ tục và các điều kiện liên quan đến thẩm định, đánh giá tác động môi trường; bảo đảm sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan, nhất là tại các địa bàn xung yếu, vùng giáp ranh giữa các tỉnh khi mở rộng thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng lên đến trên 50 ha.
Cần bổ sung thêm các quy định về nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong Nghị quyết nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong trong triển khai thực hiện; đảm bảo các mục tiêu quốc gia về diện tích che phủ rừng, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh và nhất là những tác động đến thiên tai.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi |
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Thảo luận trực tuyến tại phiên họp, đa số các đại biểu cho rằng cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH; hạn chế hưởng BHXH một lần; có giải pháp để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, không để tình trạng người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do yếu tố khách quan. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị đưa hành vi mua bán sổ BHXH vào xử lý hình sự nhằm tăng cường tính răn đe và kịp thời ngăn chặn những đối tượng có ý định, hành vi trục lợi BHXH. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.
Đối với BHYT, một số đại biểu cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn có thể đạt kết quả tốt hơn nếu có cơ chế đăng ký mua thẻ BHYT linh hoạt và đơn giản hơn như mua BHYT qua ứng dụng VssID cho người thân và giảm bớt các yêu cầu về giấy tờ như hộ khẩu, thẻ tạm trú… Đề nghị rà soát mức giá dịch vụ y tế để điều chỉnh mức giá chưa phù hợp, bổ sung danh mục về điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế theo chế độ BHYT. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy y tế cơ sở và bác sỹ gia đình phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng tỷ lệ thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT trong ngày; tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đảm bảo nhu cầu của người dân...
Sau thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ LĐTB& XH, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Tin, ảnh:
N.ĐỨC