(Báo Quảng Ngãi)- Anh Lê Trung Hiếu (44 tuổi), ở TP.Hồ Chí Minh, từng tốt nghiệp đại học kỹ thuật, sáng chế dung dịch gồm nước, ion đồng, đường glucose, giúp hoa giữ độ tươi từ 7 đến 15 ngày, tùy loại hoa. Giúp hoa tươi lâu khi cắm trong bình, phát minh ấy không lớn, phải chăng? Đúng là nó không lớn với người chơi hoa, nhưng nó mang lại lợi nhuận không nhỏ với người bán hoa tại các shop hoa.
Ảnh: vnexpress.net |
Một chủ shop hoa ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc giữ độ tươi lâu của hoa có ý nghĩa quyết định trong giá thành, lợi nhuận của người bán. Sau 6 tháng dùng thử nghiệm sản phẩm, hoa tươi lâu hơn, chủ shop hoa này giảm được 2 nhân công chuyên thay nước, cắt cành hoa, để họ làm việc khác. Khách hàng thấy sản phẩm hiệu quả quay lại mua nhiều hơn, giúp chủ shop hoa tăng doanh thu từ 70 triệu lên gần 100 triệu đồng mỗi tháng.
Phát minh của anh Lê Trung Hiếu không lớn, nếu so nó với những phát minh lớn. Tuy nhiên, so với nhiều vị tiến sĩ, nhiều vị học hàm học vị cao hơn ở nước ta (nhưng không có phát minh nào đáng giá), thì “phát minh nhỏ” của anh Hiếu vẫn hơn.
Hãy nghe anh Lê Trung Hiếu tâm sự: "Giá thành sản phẩm chỉ 1.000 đồng mỗi gói 10ml, có thể pha với 1 lít nước. Hộp 250ml có thể pha với 25 lít nước giá từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng, có thể cắm cho 50 bình hoa". Giá sản phẩm như vậy là rất mềm, phải không? Người chơi hoa có thể thoải mái mua để hoa mình cắm ở nhà tươi được lâu hơn. Nhưng với người bán ở các shop hoa, thì phát minh này rõ ràng có lợi cho họ, lợi thấy rõ, như một chủ shop hoa đã tâm sự thật lòng.
Trên thế giới, hằng ngày vẫn có rất nhiều phát minh đăng ký bản quyền. Có những phát minh rất lớn, mang lại hiệu quả kinh tế, chuyên môn và ý nghĩa xã hội lớn. Song cũng có nhiều phát minh cỡ “nhỏ” mang lại lợi ích kinh tế vừa phải, nhưng nó đúng là có lợi ích hẳn hoi. Nếu chúng ta so phát minh nhỏ, nhưng có lợi ích thấy rõ của anh Hiếu với “dự án nuôi bò lai bò tót” gì đó, tiêu tốn dăm bảy tỷ đồng của Nhà nước ngon ơ, nghiệm thu dự án xong, tiền thanh toán đầy đủ, thì bỏ mặc mấy con bò lai ốm trơ xương, sắp chết đến nơi chỉ vì... đói. Nghiên cứu như thế có lợi ích gì không, ngoài chuyện tiêu tốn tiền ngân sách?
Có không ít những “dự án nghiên cứu” như vậy, ở rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Và số tiền tiêu tốn cho “nghiên cứu” không hề nhỏ. Hãy so những “dự án nghiên cứu” ấy với phát minh nhỏ của anh Lê Trung Hiếu, nó “nhỏ nhưng có võ”, vì nó mang lại niềm vui cho người chơi hoa, mang lại tiền bạc cho người bán hoa ở các shop và quan trọng hơn, nó kích thích sự tìm tòi, phát minh sáng chế, dù nhỏ, ở rất nhiều người trẻ. Họ có thể đang học phổ thông, đang học đại học, hay mới tốt nghiệp, học hàm học vị chưa có gì, nhưng nếu họ say mê nghiên cứu tìm tòi, nếu họ muốn phát minh những cái nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho xã hội, dù lợi ích chưa lớn, thì những thành công của họ kích hoạt niềm đam mê sáng tạo thực sự cho nhiều người trẻ. Israel thành quốc gia phát triển cao độ chính là nhờ từ những “phát minh nhỏ” nhưng hữu ích như thế.
Thanh Thảo