(Baoquangngai.vn)- T
iếp tục chương trình Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016- 2021, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình KT- XH và công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2021 - 2025.
[links()]
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, bám sát gợi ý thảo luận của chủ tọa kỳ họp, tại phiên thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh thẳng thắn phân tích, làm rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020, bàn bạc giải pháp phát triển KT- XH năm 2021, tạo đà cho cả nhiệm kỳ.
Các đại biểu cho rằng, năm 2020 là một năm rất đặc biệt đối với tỉnh, do phải chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai. Song, với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cùng cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận, nhất trí, đoàn kết của nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phục hồi kinh tế.
Ùy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên thảo luận |
Các ý kiến thảo luận đồng tình với những hạn chế, tồn tại đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh; đồng thời phân tích sâu nguyên nhân một số hạn chế, khó khăn cụ thể trên các lĩnh vực và ở từng địa phương, nhất là nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện, nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới dẫn đến giá dầu sụt giảm và nhu cầu sử dụng xăng dầu cũng giảm nên hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất rất khó khăn dẫn đến nguồn thu từ nhà máy lọc dầu giảm, dự kiến chỉ bằng 41% cùng kỳ nên hụt thu trên 3.000 tỷ đồng; những khoản hụt thu khác là từ Nhà máy sản xuất bia Dung Quất và bia Sài Gòn khoảng 400 tỷ đồng; thuế sử dụng đất khoảng 1.000 tỷ đồng….
Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh nhận định, việc hụt thu ngân sách của tỉnh đã gây rất nhiều khó khăn trong bài toán cân đối ngân sách, cũng như đầu tư cho phát triển trên địa bàn tỉnh. Dự báo trong năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thu ngân sách nên ảnh hưởng không nhỏ đến chi cho đầu tư để phát triển kinh tế nên cần phải thảo luận kỹ để có giải pháp cân đối thu chi cho phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cũng phân tích những vấn đề mà đại biểu HĐND quan tâm trong việc tính toán cân đối thu chi ngân sách cho năm 2021. Việc nâng mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thu thuế từ quyền sử dụng đất có đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên phát biểu tại phiên họp |
Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 9-10%, các đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần xem xét tính khả thi, bởi đây là mức tăng trưởng cao và lo ngại chỉ tiêu này khó đạt được.
Giám đốc Sở KH& ĐT tỉnh Trần Thị Mỹ Ái lý giải, việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng trên là hoàn toàn có cơ sở và có tính khả thi. Bởi, sau khi hoàn thành công tác bảo dưỡng định kỳ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2020, dự kiến sản lượng lọc dầu năm 2021 đạt mức 6,9 triệu tấn (so với mức 5,991 triệu tấn năm 2020); Nhà máy thép Hòa Phát dự kiến đưa toàn bộ dây chuyền sản xuất vào hoạt động từ cuối năm 2020 và sản lượng thép năm 2021 đạt được 4,15 triệu tấn. Các lĩnh vực dịch vụ đã phần nào hồi phục và tăng trưởng trở lại, dự kiến tăng khoảng trên 8%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng như các năm trước dịch.
“Với kết quả trên, tổng sản phẩm GRDP năm 2021 dự kiến đạt 54.663 tỷ đồng, tăng 9,69% so với năm 2021 và đề xuất tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 9-10% là khả thi. Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng này được tính trong điều kiện dịch Covid- 19 được khống chế ổn định, chưa dự lường được những biến động bất thường khác”- Giám đốc Sở KH& ĐT tỉnh Trần Thị Mỹ Ái nói.
Đại biểu Dương Văn Tô thảo luận về các giải pháp để vực dậy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp |
Cũng trong phiên thảo luận các đại biểu cũng đã đề cập đến các giải pháp để hỗ trợ người dân tái thiết lại sản xuất sau ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; chính sách cán bộ, tổ chức biên chế ở các địa phương sau khi sáp nhập xã, huyện; chính sách hỗ trợ ngư dân; tôn tạo phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử...
Đồng thời, đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ trong lĩnh vực phát triển kinh tế biến; chương trình xây dựng nông thôn mới; cấp quyền khai thác khoáng sản, nhất là ở khu vực miền núi; ….
Qua ý kiến của các đại biểu, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung quan trọng.
Đại biểu Phạm Thị Hương kiến nghị về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế biển |
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương theo trách nhiệm quản lý, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có giải pháp tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, góp phần thúc đẩy việc thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển KT- XH, quốc phòng - an ninh năm 2021 và 5 năm 2021-2025.
Theo chương trình làm việc, trong ngày làm việc thứ 2 (10.12.2019), HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận và thông qua các nội dung liên quan đến việc Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; Giao dự toán thu ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách địa phương năm 2021; Phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2021…
M.Toàn- H.P