Ta đã thấy gì trong đêm nay

10:12, 10/12/2019
.

Thanh Thảo

(Baoquangngai.vn)- Trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30, HLV Park Hang-seo đã nói: “Tôi có một giấc mơ, Việt Nam chúng ta sẽ giành cả hai huy chương Vàng bóng đá ở SEA Games này” Và, giấc mơ đẹp nhất, được chờ đợi lâu nhất của bóng đá Việt Nam đã thành hiện thực, một hiện thực còn đẹp hơn những giấc mơ. Còn nhớ…

Ở SEA Games 1959 (còn gọi là SEAP Games lần 1 - 1959), đội tuyển Việt Nam (miền Nam) đã giành HCV một cách ngoạn mục. Trong thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam, giờ chỉ còn một chứng nhân, đó là tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh. 

Ông Thanh năm nay đã 76 tuổi, chắc sẽ là một trong những người Việt Nam hạnh phúc nhất đêm nay. Hậu duệ của ông Thanh đã có một trận thắng không thể ngọt ngào hơn, trước một đối thủ không thể xứng đáng hơn ở SEA Games 30 này: đội tuyển Indonesia.

Đó là đối thủ chúng ta đã thắng 2-1 rất chật vật ở vòng bảng, một đối thủ đã vừa thắng Thái Lan 2-0 và sau trận thua Việt Nam, HLV của họ đã hẹn sẽ gặp lại Việt Nam ở trận chung kết, và “ở đó, mọi chuyện sẽ khác”. 

U22 Việt Nam vô địch bóng đá nam SEA Games 30 sau chiến thắng cách biệt 3 bàn không gỡ trước U22 Indonesia. Ảnh: Zing
U22 Việt Nam vô địch bóng đá nam SEA Games 30 sau chiến thắng cách biệt 3 bàn không gỡ trước U22 Indonesia. Ảnh: Zing

Vâng, mọi chuyện đã khác, và khác ở cái cách mà Indonesia không thể ngờ. Ba bàn thắng đẹp như mơ, ba ngôi sao Vàng trên chiếc “phản lực cơ Việt Nam” khiến toàn dân Việt Nam như bùng nổ trong niềm hân hoan ngây ngất.

Bóng đá, môn thể thao truyền năng lượng khủng khiếp nhất, hôm nay đã chứng minh khả năng truyền năng lượng của mình. Cả một dân tộc đã bừng lên trong câu hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Đúng là đại thắng thật, vì trước trận đấu, ít ai dám nghĩ đến tỉ số trong mơ này. Nhưng gần như ai cũng nghĩ, chắc Việt Nam mình sẽ thắng. Nhưng có lẽ trận đấu sẽ rất khó khăn, gần giống như trận chung kết bóng đá nữ, khi các cô gái Vàng Việt Nam đã xả thân vì chiến thắng, đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu cho chiến thắng rất sát sao sau 120 phút.

Trận chung kết 3-0 này, ngược hoàn toàn, cầu thủ Việt Nam chơi rất chắc và rất… khỏe. Không có chấn thương nào đáng tiếc, cũng không có sai lầm nào đáng phải xuýt xoa. Văn Toản đã trở thành thủ môn chính thức của U22 Việt Nam một cách không thể thuyết phục hơn, chính là trong trận chung kết này. Sự tự tin kỳ lạ là những gì mà người hâm mộ chứng kiến ở cả đội tuyển. 

Và nhân đây, xin nói một chút về sự tự tin ấy ở HLV Park. Khi trận đấu chỉ còn 15 phút, và Việt Nam đang dẫn 3-0, một tình huống Trọng Hoàng bị đối thủ chèn ép không đúng luật, lẽ ra, Việt Nam phải được quả đá phạt, nhưng trọng tài đã cho Indo ném biên.

Chỉ chờ như thế, ông Park đã lao ra đường pist tranh cãi dữ dội với trọng tài để bảo vệ Trọng Hoàng. Ông phải nhận thẻ đỏ, nhưng không hề nao núng. Tôi đoán, trong tình huống đó, ông Park-một người luôn bảo vệ học trò đến cùng-đã hành xử ban đầu là như thế. Nhưng ông cũng muốn, qua hành động dễ bị nhận thẻ này, gửi tới cầu thủ của mình một thông điệp về tình đoàn kết và sự tự tin: tất cả chúng ta là một! Như một quả đấm thép.

Các cầu thủ U22 Việt Nam ngất ngây với chiến thích ở SEA Games. Ảnh: SN
Các cầu thủ U22 Việt Nam ngất ngây với chiến thích ở SEA Games. Ảnh: SN

Đúng như thế, khi ông Park đã phải lên khán đài, tôi thấy lối chơi của Việt Nam mạnh mẽ và chắc chắn hơn hẳn, cùng với đó, lối chơi của Indo bỗng dưng rời rạc: năng lượng đã rời bỏ họ. Và tôi hiểu: thẻ đỏ ấy của ông thầy Park cũng là một hành động truyền năng lượng cho học trò và khiến đối thủ bải hoải. Cơ hội không còn cho họ nữa, khi HLV Việt Nam đã sẵn sàng nhận thẻ đỏ lên khán đài ngồi, nghĩa là trận cầu đã không thể xoay chuyển kết quả.

Một trận đấu không chỉ giải tỏa cho U22 Việt Nam, mà còn cho cả Văn Hậu và Hùng Dũng, hai người đã góp công thầm lặng nhưng lớn nhất trong trận này. Hai bàn thắng của Văn Hậu, một bàn thắng của Hùng Dũng, thảy đều ngoạn mục.

Nhưng nếu chọn, tôi sẽ chọn bàn thắng của Hùng Dũng, vì độ khó của quả sút, và sự tinh tế của đường bóng không mạnh nhưng vô cùng “hiểm trở”, khiến thủ môn Indo bất lực hoàn toàn, dù bóng đi khá nhàn nhã. Đó là bàn thắng của một kỹ thuật siêu hạng, sút nhanh, bóng bay nhẹ, và cực hiểm. 

Tôi vẫn chờ Indo có một trận đấu hay hơn thế, vì trong trận gặp Việt Nam ở vòng bảng, họ đã chơi hay, và kỹ thuật cá nhân, lối tấn công biên của họ là ấn tượng. Nhưng, Việt Nam đã chơi hay tới mức khiến những cầu thủ hay nhất của Indo cũng phải chịu lu mờ. Họ không có gì tự trách mình, họ đã chơi hết mình, chơi lăn xả, nhưng họ đã gặp một đối thủ gần như bắt bài được những miếng đánh của họ, và bình tĩnh hóa giải.

Công lao ấy, không thuộc thầy Park thì thuộc về ai nhỉ ? Ai đã là một thuyền trưởng biết mình biết người đến như vậy, và đúng như ông Park đã nói: “ Bây giờ, Việt Nam không sợ một đối thủ nào cả.”

Nếu huy chương Vàng bóng đá Việt Nam phải chờ tới 60 năm, thì để giũ bỏ được sự sợ hãi, bóng đá Việt Nam phải chờ tới 29 năm, từ trận chung kết SEA Games năm 1995 ở Chiềng Mai, khi Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm được vào một trận chung kết bóng đá nam. Ở trận ấy, chúng ta thua Thái Lan 0-5, và tôi cũng như mọi người Việt Nam xem trận này đều có chung nỗi sợ trước một Thái Lan quá mạnh so với Việt Nam. 

Vậy mà chỉ sau hai năm gần đây, nỗi sợ đã biến mất khỏi đội tuyển Việt Nam, khỏi đội U22 Việt Nam, và dĩ nhiên, khỏi đội bóng đá nữ U22 Việt Nam. Giũ bỏ nỗi sợ đeo bám nhiều năm, chúng ta đã có cùng lúc hai Huy chương Vàng bóng đá Nam và Nữ. Ai đã giúp bóng đá Việt Nam thoát nỗi sợ dai dẳng đó, nếu công đầu không thuộc về HLV Park Hang-seo? Và, dĩ nhiên, tất cả cầu thủ trong đội tuyển, họ đã vượt qua nỗi sợ, và chỉ còn giữ lại sự tự tin điềm tĩnh.

Bóng đá Việt Nam đã có một sự bứt tốc kỳ diệu, chỉ sau hơn hai năm. Hãy nhớ lại, ở SEA Games 29 năm 2017, đội tuyển nam U22 Việt Nam đã chơi như thế nào, thì mới cảm nhận sâu sắc niềm vui của chiến thắng hôm nay. 

Bóng đá khởi đi từ đôi chân, nhưng lại quyết định bởi…cái đầu. Chính vì thế, bóng đá thế giới mới xuất hiện những huấn luyện viên siêu đẳng, những người tiêu biểu cho cái đầu của đội bóng, và đôi khi, của cả một nền bóng đá.              

Tôi biết, đêm nay, cả Việt Nam sẽ gần như thức trắng, không ngủ được vì hạnh phúc. Bóng đá mang lại niềm hạnh phúc ấy, bất chấp mọi lo âu khốn khổ trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nhớ, có một người bạn tôi ở Pháp có lần đã nói với tôi- một kẻ dạo ấy đang hăng viết bình luận bóng đá, anh nói: “ Bóng đá là thuốc phiện của nhân dân”.

Tôi thì nghĩ khác. Bóng đá là một cánh cửa mở cho nhân dân có được niềm hạnh phúc, dù niềm hạnh phúc ấy không ai dám chắc nó dài hay ngắn. Nhưng hạnh phúc là có thật, khi đội bóng mình yêu thương chiến thắng. Điều ấy, thuốc phiện không mang lại được.

Cảm ơn HLV Park Hang-seo, ông đã giúp chúng tôi có được niềm hạnh phúc tràn ngập cõi bờ Việt Nam trong đêm nay. Sau một chờ đợi kéo dài tới 60 năm đằng đẵng.

Cảm ơn ba ngôi sao Vàng, ba bàn thắng bằng vàng ròng của U22 Việt Nam, giải tỏa cho người hâm mộ Việt Nam bao nhiêu năm ấm ức.

Bóng đá cũng giống như cuộc đời vậy, đủ mọi cung bậc của hỉ nộ ái ố ai lạc. Nhưng nếu ai có được nụ cười sau cùng, người đó sẽ có hạnh phúc. 

 

.