Rác không phải là chuyện nhỏ

09:07, 22/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tuần qua, rác thải đã trở thành vấn đề nóng ở TP.Quảng Ngãi, khi một số hộ dân không cho vận chuyển rác thải vào điểm xử lý rác thải ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) như thường lệ. Mọi việc chỉ tạm thời lắng xuống, khi hàng nghìn tấn rác thải ùn ứ của TP.Quảng Ngãi được chuyển đi nơi khác - bãi rác cũ Đồng Nà (xã Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi). Tuy nhiên, câu chuyện về rác thải hẳn chưa có hồi kết.

TIN LIÊN QUAN


Không chỉ ở TP.Quảng Ngãi, rác thải cũng đang là vấn đề nóng ở Huế, TP.Hồ Chí Minh và không ít đô thị lớn trong cả nước, bởi rác thải đang gây ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi... tại  những địa điểm xử lý rác và vùng phụ cận. Nguyên nhân là bởi hiện nay, quy trình xử lý rác thải phần lớn sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu các khu xử lý đạt chuẩn, mà chủ yếu là chôn lấp. Rác thải hầu hết chỉ được phân loại, xử lý theo cách thủ công, không phân loại nguồn rác, để xử lý theo tiêu chuẩn, nhất là các loại chất thải công nghiệp, y tế độc hại. Vì thế, chuyện ô nhiễm từ các điểm xử lý rác thải cũng không phải là điều quá khó hiểu.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Bởi việc đầu tư cho y tế để khắc phục tổn hại sức khỏe của người dân, khắc phục hậu quả ô nhiễm... là con số khó có thể đong đếm. Không những thế, nếu không quan tâm giải quyết rốt ráo rác thải, thì dễ hình thành nên những điểm nóng, gây mất an ninh trật tự. Do đó, vấn đề này cần phải được xem xét, giải quyết nghiêm túc, toàn diện.

Cùng với việc làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư từ ngân sách, thì việc kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa trong việc xử lý rác thải cần phải được đẩy mạnh, đi cùng với các chính sách ưu đãi cao hơn. Nhưng xử lý rác phải thu hút những dự án công nghệ mới, hiện đại, thay vì cách xử lý thủ công, lạc hậu như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, xử lý rác thải phải thực hiện một cách đồng bộ, từ khâu thu gom đến khâu vận chuyển, xử lý... Rác cần phải được phân loại từ thùng rác gia đình, rồi khuyến khích đơn vị thu gom, xử lý rác sản xuất phân bón vi sinh, sử dụng cho nông nghiệp, hoặc các sản phẩm tái chế... để rác vẫn hữu ích và có thể... sinh lợi. Làm được điều này sẽ giảm được lượng rác chôn lấp, vốn gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều mối lo.

HOÀNG TRIỀU
 


.