Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh, khóa XII: Thảo luận nhiều giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội

09:07, 12/07/2018
.

(Baoquangngai.vn)-  Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh, khóa XII, nhiệm kỳ 2016 -2021 tiến hành thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
 
 
Lo ngại ô nhiễm môi trường
 
Thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, các đại biểu HĐND khẳng định, kinh tế - xã hội đã đạt kết quả toàn diện. Song, các đại biểu cũng phản ánh những bất cập, đề xuất các giải pháp để kinh tế- xã hội của tỉnh, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2018. 
 
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, đại biểu Hà Thị Anh Thư tỏ ra lo ngại đối với tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, cụ thể là đối với Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt và Dự án Nhà máy Giấy VNT - 19. Các doanh nghiệp này đã nhiều lần làm người dân mất niềm tin nên họ thường cản trở doanh nghiệp hoạt động. 
 
Đại biểu Hà Thị Anh Thư cho rằng, nhà máy xi măng Đại Việt nằm trong khu dân cư Tân Hy, xã Bình Đông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đề nghị tỉnh cho biết bao giờ tỉnh cho biết phương án giải quyết. Đồng thời, nhà máy giấy VNT-19 nhập thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không thực hiện cam kết với dân. Đề nghị UBND tỉnh  kiểm tra và tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết việc doanh nghiệp đặt ống xả ngầm dưới mặt biển ở vịnh Việt Thanh có đúng quy định pháp luật?
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng phát biểu tại phiên họp.
 
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho hay, việc đền bù và  di dời các hộ dân ở khu vực nhà máy xi măng Đại Việt kinh phí rất lớn, gần 2.000 tỷ. Tỉnh Quảng Ngãi không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện di dời. Chính vì vậy, nếu Nhà máy xi măng Đại Việt không khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường thì buộc phải đóng cửa. 
 
Đối với, nhà máy giấy VNT-19, Chủ tịch UND tỉnh  cho biết, đã gửi văn bản đề nghị làm việc với Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài Nguyên & Môi trường về nhà máy giấy VNT-19. "Tôi khẳng định với người dân, trước khi đưa vào chạy thử, chủ đầu tư nhà máy VNT-19 buộc phải kiểm định chất lượng thiết bị và môi trường. Khi nào thiết bị, công nghệ xử lý môi trường đạt chuẩn thì nhà máy mới được phép hoạt động", Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết. 
 
Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm  môi trường, suốt mấy ngày nay, người dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa ngăn chặn không cho xe vận chuyển rác vào khu vực xử lý, gây ùn ứ hàng ngàn tấn rác, phát tán mùi hôi thối ở các vùng lân cận. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành đối thoại với dân nhưng tình hình vẫn chưa thể “hạ nhiệt”. 
 
 
Các đại biểu chủ trì phiên thảo luận
Các đại biểu chủ trì phiên thảo luận
 
 
Được biết, khoảng cách từ Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt ở Nghĩa Kỳ đến khu dân cư chỉ khoảng 150m, trong khi đó, theo quy định bãi rác phải cách xa khu dân cư tối thiểu là 3.000 – 5.000m. Rác bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân sống trong khu vực. Tại đây, trung bình mỗi ngày có đến 340 tấn rác đổ về, nếu tiếp nhận tạm thời cho đến tháng 9.2018, khi công trình hoàn thành, người dân phải chịu cảnh "ruồi nhiều hơn người”. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan tích cực vào cuộc để sớm giải tỏa lượng rác thải ùn ứ ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.
 
Quan tâm hỗ trợ ngư dân, giảm nghèo miền núi
 
Trong lĩnh vực đánh bắt và khai thác thủy hải sản, đại biểu Trần Em- đơn vị huyện Đức Phổ bày tỏ, thực trạng hiện nay, năng lực đánh bắt, tàu thuyền công suất lớn phát triển ngày càng nhiều, song nghịch lý là cảng biển ở tỉnh ta còn quá nhỏ nên tàu thuyền khó ra vào cảng. Đồng thời, hạ tầng nghề cá còn yếu kém so với nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Thanh Hóa…nên rất ít tàu thuyền có công suất lớn trên địa bàn tỉnh cập cảng ở Quảng Ngãi để bán hải sản và tiếp nhiên liệu. 
 
Cùng với đó, đại biểu Trần Em cho rằng, thực tế, sản lượng đánh bắt thủy hải sản chỉ gia tăng theo cơ học, nghĩa là tàu thuyền tăng nên tổng sản lượng tăng. Chứ thực ra, 6 tháng đầu năm, có nhiều chủ phương tiện và ngư dân đánh bắt thua lỗ. Đời sống của ngư dân Đức Phổ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ ngư dân để họ yên tâm bám  biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, cần phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá để các tàu về địa phương tiêu thụ; có giải pháp căn cơ thông luồng các cửa biển tạo điều kiện cho tàu cá của ngư dân ra, vào thuận lợi tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
 
Đối với công tác giàm nghèo miền núi, đại biểu Hoàng Anh Ngọc – đơn vị huyện Tây Trà cho biết, năm 2018, huyện Sơn Tây và Tây Trà là 2 địa phương thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Thực hiện chủ trương này, huyện phối hợp với Sở LĐTB & XH và các ban, ngành liên quan chỉ đạo các cơ sở thực hiện chủ trương này, tuy nhiên quá trình thực hiện gặp nhiều khó  khăn. 
 
Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận
 
Đại biểu Hoàng Anh Ngọc, cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền núi, ranh giới giữa hộ nghèo và hộ thoát nghèo rất mong manh, vì thế quá trình thực hiện rất khó. Thực tế hiện nay có  3.238 hộ nghèo, thì chỉ có 80 hộ đăng ký thoát nghèo. Chính vì vậy, dù địa phương đã có nhiều nỗ lực, song công tác giảm nghèo vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trong thời gian tới. 
 
Trong phiên thảo luận, ngoài những ý kiến nêu trên, các đại biểu cũng bày tỏ những ý kiến liên quan đến tình hình thu chi ngân sách; các dự án trên địa bàn tỉnh chậm triển khai;  sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch còn nghèo nàn; công tác giáo dục ở miền núi chất lượng có nâng lên, tuy nhiên cơ sở vật chất nhất là trường bán trú cho thầy cô giáo, học sinh và nhà ăn còn ẩm thấp; chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng đường GTNT chưa đáp ứng như cầu…
 
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, đánh giá cao ý kiến đóng óp, thảo luận của các đại biểu; trả lời một số ý kiến của đại biểu thuộc thẩm quyền. Cũng trong chiều 11/7, HĐND tỉnh thảo luận, thông qua quy định về cấp quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh; Danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Ngãi để Quỹ đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư trực tiếp, góp vốn và cho vay giai đoạn 2018- 2021.
 
Sáng 12.7, các đại biểu tham dự kỳ họp sẽ tiến hành thảo luận và thông qua các nội dung UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Báo Quảng Ngãi điện tử sẽ tiếp tục phản ánh ngày làm việc thứ 2 của HĐND tỉnh trong các bản tin sau. 
 
M.Toàn- N.Đức
 
 
 

.