(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1939, thầy tôi ra tù Tây về quê nhà, coi như tay trắng. Vài năm sau, ông xây dựng gia đình với má tôi, nhưng vẫn chưa thể “lập nghiệp”, vì chưa có một công việc cụ thể nào. Vùng quê tôi là vùng thuần nông, ruộng đất lại ít, người dân chỉ làm ruộng là chính, ít biết làm nghề phụ.
Nhưng má tôi quê Đức Hiệp (Mộ Đức), vùng bãi dâu ven sông, nên có nghề nuôi tằm, hồi đó gọi là nghề “để tằm”. Từ nhà tôi lên Đức Hiệp quê má tôi, nếu đi đường tắt, chỉ hơn 3 cây số. Và thầy má tôi quyết định khởi nghiệp bằng nghề nuôi tằm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Má tôi đã thủ đắc kỹ năng nuôi tằm từ khi còn ở quê Đức Hiệp. Quê tôi không trồng dâu, nhưng Đức Hiệp thì rất sẵn dâu. Thầy má tôi có mấy người cháu mới lớn, sẵn sàng là những lao động chính. Vậy là, thầy tôi quyết định khởi nghiệp nuôi tằm, một việc ở vùng quê lúa của tôi chưa có gia đình nào làm. Ngôi nhà chính biến thành “buồng tằm”. Giống và dâu đã có trên Đức Hiệp, mấy người cháu là những lao động hái dâu và gùi dâu từ Đức Hiệp về nhà. Má tôi trở thành “chuyên gia kỹ thuật”. Cả nhà xúm vào “để tằm”.
Ở miền Trung có câu ca “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nói lên độ khổ cực, vất vả của nghề nuôi tằm. Nhưng nuôi tằm lại là nghề “hái ra tiền” ở thời đó. Ngay năm đầu nuôi tằm, thầy má tôi đã thành công. Vốn ban đầu không có bao nhiêu, nhưng bán kén, bán tơ thì “một vốn bốn lời”. Chỉ sau ba năm, gia đình thầy má tôi đã từ một “gia đình vô sản” không có tư liệu sản xuất, vươn lên khá giả, nhờ chọn đúng nghề nuôi tằm.
Khởi nghiệp cần sự quyết đoán, chấp nhận thách thức, nhưng rất cần sự tỉnh táo để nhìn ra những yếu tố “tiềm năng”. Khởi nghiệp cũng không phải là “phong trào” theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, nhưng lại rất cần người có kỹ năng về nghề chính khi khởi nghiệp.
Bởi có thể làm một việc ở quê mình chưa có người làm, nhưng phải có người am hiểu công việc đó. Chứ nếu anh chọn khởi nghiệp bằng nghề trồng rau sạch mà không có ai trong nhóm am hiểu kỹ năng trồng rau, thì sẽ rất khó. Những việc khác cũng vậy. Thầy má tôi đã thành công bằng nghề nuôi tằm ở vùng quê chưa có ai nuôi tằm, nhưng má tôi lại rất rành nghề nuôi tằm. Còn thầy tôi thì biết phân công lao động, biết tìm “đầu ra” cho sản phẩm là tơ kén. Cuối cùng, cả gia đình đều cần cù lao động, chấp nhận “nuôi tằm ăn cơm đứng”. Khởi nghiệp như thế, tuy không thành công vang dội gì, nhưng rất chắc chắn.
Tôi thường nghe người ta nói, trong khởi nghiệp, phải biết chấp nhận thất bại và “thất bại là mẹ thành công”. Nhưng trong nhiều trường hợp, phải biết tính toán thật kỹ, chuẩn bị thật chu đáo, để không thất bại, khi nghề mình chọn khởi nghiệp chính là sinh kế của gia đình mình.
Dĩ nhiên, khởi nghiệp bao giờ cũng có phần mạo hiểm nào đó. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cả phần mạo hiểm ấy, chứ không phải “cứ có ý tưởng là làm”, hay thấy người ta thành công thì tin mình cũng sẽ thành công, vì sự đời không giản đơn như thế.
Sắp đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, xin thổ lộ một chuyện nhỏ. Bản thân tôi đã có nghề viết báo thâm niên 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, nhưng sau 1975, tôi không còn viết báo nữa. Mãi tới năm 1995, khi con cái đã lớn, sắp vào đại học, mới giật mình vì nhà không có tiền, làm sao nuôi con ăn học. Tôi “khởi nghiệp lại” bằng nghề viết báo. Bởi thời điểm ấy đã có nhiều tờ báo để mình cộng tác. Mình cũng quen biết nhiều, nên dễ tìm được “đầu ra” cho những bài báo. Và cuối cùng, mình có kỹ năng viết báo, hồi xưa gọi là viết “nhật trình”. Tôi đã “khởi nghiệp lại” bằng nghề viết báo, và được.
Nghĩ lại, khởi nghiệp là chuyện trong gia đình mình, là chuyện của bản thân mình, chứ có đâu xa.
THANH THẢO