TIN LIÊN QUAN |
---|
Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ phát biểu kết luận hội nghị. |
Thưa các đồng chí Tỉnh uỷ!
Thưa các đồng chí đại biểu!
Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 đã hoàn thành Chương trình đề ra; đó là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tổng kết thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư khoá X về "tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Thường trực Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến thảo luận của đại biểu để hoàn chỉnh báo cáo. Thay mặt chủ trì Hội nghị, tôi xin phát biểu một số nội dung sau:
I. Về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Chỉ thị 17 của Ban Bí thư
1. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII, trong 20 năm qua, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đã được cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, từng bước đi vào nền nếp, đạt kết quả tích cực. Cụ thể:
(1) Đội ngũ cán bộ các cấp được xây dựng, rèn luyện trong thực tiễn công tác ngày càng trưởng thành về nhiều mặt; đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân; trình độ chuyên môn cơ bản bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn chức danh; có ý thức trách nhiệm, chủ động học tập, nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
(2) Quy trình chất lượng công tác đánh giá cán bộ từng bước được hoàn thiện, làm rõ hơn thẩm quyền giữa tập thể và cá nhân trong đánh giá đối với từng loại cán bộ; việc đánh giá cán bộ được tiến hành dân chủ, khách quan, toàn diện, dần đi vào thực chất hơn, khắc phục dần tình trạng nể nang, xuê xoa.
(3) Quy hoạch cán bộ được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, cơ bản; là chiến lược trong công tác cán bộ. Các cấp ủy đảng đã bám sát mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc, quy trình và đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng quy hoạch cán bộ; tạo được nguồn cán bộ kế cận; mỗi chức danh quy hoạch 1 - 3 người; mỗi người quy hoạch vào một số chức danh; lấy quy hoạch của cấp ủy làm cơ sở xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể; cơ bản bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cơ cấu 3 độ tuổi; từng bước mở rộng dân chủ, công khai. Phần lớn cấp ủy, tổ chức đảng các cấp hoàn thành xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ; hàng năm đều rà soát, bổ sung quy hoạch làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ.
(4) Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; ưu tiên đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ; bồi dưỡng kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; khắc phục một bước tình trạng chạy theo bằng cấp, không đáp ứng yêu cầu về kiến thức, năng lực thực tiễn.
(5) Thực hiện việc luân chuyển cán bộ đã tạo môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ, đồng thời cũng nâng cao năng lực quản lý, điều hành ở các địa phương, đơn vị khó khăn; giải quyết cơ bản tốt mối quan hệ giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng với ổn định, phát triển đội ngũ cán bộ cán bộ tại chỗ; tạo điều kiện để cán bộ trẻ được luân chuyển trưởng thành, phát triển, tích luỹ kinh nghiệm, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát thực tiễn. Luân chuyển cán bộ đã góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong công tác cán bộ.
(6) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử; phân cấp quản lý cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm đổi mới quy trình; bảo đảm nguyên tắc của Đảng, dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm tiêu chuẩn kết hợp với việc đánh giá năng lực thực tiễn của cán bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế sau:
(1) Cơ cấu đội ngũ cán bộ các cấp chưa cân đối; tỷ lệ nữ, dân tộc, cán bộ trẻ ở một số nơi chưa bảo đảm; còn tình trạng hẫng hụt đội ngũ kế cận; thiếu lực lượng cán bộ trẻ có tâm, đủ tầm, quyết liệt đổi mới, sáng tạo. Một bộ phận cán bộ, công chức đạt chuẩn về bằng cấp nhưng năng lực chưa tương xứng, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân chưa cao; thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc trì trệ, thiếu khoa học, chậm đổi mới; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, chưa sâu sát thực tế; thiếu tính tiền phong gương mẫu, vi phạm phải xử lý kỷ luật.
(2) Đánh giá và quản lý cán bộ vẫn là khâu yếu; nhiều nơi đánh giá cán bộ chung chung, hình thức; thiếu khoa học, có biểu hiện thành tích; có nơi tổ chức đảng và lãnh đạo nắm không chắc, đánh giá không trúng, thiếu khách quan… Công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ có lúc chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ; chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ; chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. Ở một số nơi, đề án quy hoạch hình thức, thiếu khả thi, chất lượng thấp, thiếu tầm nhìn xa, chưa bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi; cơ cấu cán bộ thiếu cân đối; cán bộ trẻ, cán bộ nữ ít; trình độ, ngành nghề chưa phù hợp yêu cầu nhiệm vụ; thiếu sự liên kết, liên thông giữa cấp dưới và cấp trên, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác…
(3) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn tình trạng chưa gắn với quy hoạch cán bộ; nội dung, chương trình chậm đổi mới, thiếu kiến thức thực tiễn và kỹ năng cần thiết đối với từng chức danh cán bộ; chưa kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa nâng cao tri thức với rèn luyện đạo đức và phương pháp công tác; chưa phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học.
(4) Một số nơi thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch cán bộ; luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước còn ít, khép kín; lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển trong một số trường hợp còn bất hợp lý, vừa không đáp ứng được yêu cầu đào tạo, vừa hạn chế sự đóng góp của cán bộ luân chuyển. Sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện từ phía cơ quan nơi đi và nơi đến chưa được quy định cụ thể nên việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp thiếu chính xác; một số ít cán bộ luân chuyển chậm tiếp cận công việc, đóng góp cho địa phương còn hạn chế…
Việc bố trí, sử dụng cán bộ còn để lãng phí nguồn nhân lực; còn xảy tình trạng người có năng lực thực sự chưa được tiến cử, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Chính sách đối với cán bộ về tiền lương, nhà ở, phương tiện đi lại, điều kiện làm việc còn nhiều bất hợp lý, chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực phát huy tối đa năng lực của cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, vùng khó khăn.
2. Đối với việc thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng theo tinh thần Chỉ thị 17 của Ban Bí thư được các cấp ủy trong tỉnh chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng đã quan tâm xây dựng, củng cố và phát huy trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đội ngũ này cùng với cán bộ ban tuyên giáo đã phối hợp tương đối tốt với chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, khu dân cư để thực hiện công tác tuyên truyền miệng bằng nhiều hình thức: hội thi, hội diễn, toạ đàm, tập huấn, nói chuyện thời sự, sinh hoạt khu dân cư… Qua đó, đã tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với định hướng dư luận; phân tích các quan điểm sai trái, thù địch để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công tác tuyên truyền miệng vẫn còn hạn chế như: nội dung sơ sài, hình thức rập khuôn; chưa thu hút được sự hưởng ứng tham gia tích cực, đông đảo của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa phân được nhóm đối tượng để có hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp; không ít cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết về chuyên môn; phương thức tuyên truyền nặng một chiều, từ trên xuống, ít chú ý trao đổi đối thoại trực tiếp.
II. Về nhiệm vụ trong thời gian đến
Trong các báo cáo đã xác định khá rõ, đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, cũng như công tác tuyên truyền miệng trong thời gian đến; tôi chỉ nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII.
Trong công tác cán bộ, tất cả các khâu đều quan trọng, có mối quan hệ khắng khít, gắn bó mật thiết với nhau, khâu này là tiền đề của khâu kia; trong đó, đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử, tiếp nhận, tuyển dụng và sắp xếp, bố trí cán bộ là khâu quyết định trong công tác tổ chức cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài.
Muốn thực hiện tốt công tác cán bộ cần phải chú trọng thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ. Do vậy, nhiệm vụ vừa thưòng xuyên, vừa cấp bách và lâu dài là tiếp tục đổi mới công tác cán bộ ở tất cả các khâu: đánh giá, quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và chính sách cán bộ; tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá nguyên tắc "Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ và quản lý biên chế; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mội dung sau:
- Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII và các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ; trước mắt, tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; "về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập"; xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh; trên cơ sở đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, sắp xếp, điều chuyển, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
- Thứ hai, đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ theo hướng tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch, công tâm; nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để quy hoạch, luân chuyển, điều động, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng. Căn cứ hướng dẫn của Trung ương để xây dựng, điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh; theo hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công khai lĩnh vực công tác, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý kiến, thể hiện tín nhiệm; thông qua đó, xem xét, đánh giá cán bộ trong mối quan hệ biện chứng giữa bằng cấp, kế hoạch hành động và năng lực, thành tích công tác, uy tín, sự tín nhiệm, sự trung thực trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên.
- Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch cán bộ gắn với đẩy mạnh luân chuyển cán bộ; kết hợp luân chuyển cán bộ với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương và điều chuyển cán bộ đã ở vị trí lãnh đạo, quản lý trên 8 năm; xử lý và thay thế kịp thời cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ, kém hiệu quả trong công tác.
Xây dựng Quy hoạch cán bộ phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; cố gắng cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch, dãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm, bảo đảm phương châm “động” và “mở”.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với đề cao trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; thực hiện cơ chế tiến cử cán bộ; hướng đến thực hiện cơ chế người đứng đầu đề xuất, chuẩn bị người quy hoạch thay thế mình, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; bí thư cấp ủy giới thiệu ủy viên ban thường vụ cấp ủy.
- Thứ tư, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới cách dạy; phát huy tính tích cực của học viên, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; lấy tiêu chuẩn cán bộ để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng loại cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
- Thứ năm, việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải bảo đảm tiêu chuẩn; nhất là chú trọng phẩm chất, đạo đức và năng lực thực tiễn, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao; khắc phục triệt để nhận thức, cách hiểu chưa đúng giữa luân chuyển cán bộ với điều động, bố trí và sắp xếp cán bộ; giữa luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý với bố trí công tác đối với cán bộ chuyên môn; thực hiện việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có số dôi. Thực hiện thí điểm Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương.
- Thứ sáu, thực hiện các chính sách bảo đảm lợi ích vật chất, tinh thần cho cán bộ theo quy định của Trung ương; đồng thời xây dựng, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách của tỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn để bảo đảm cho cán bộ an tâm công tác, tận tâm với công việc.
2. Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyên truyền miệng trong thời gian đến theo tinh thần Chỉ thị 17 của Ban Bí thư:
Công tác tuyên truyền miệng là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là kênh thông tin quan trọng, trực tiếp truyền bá sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Công tác tuyên truyền miệng càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi mà các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài có sự móc nối với tổ chức tự xung, đối tượng phản động, bất mãn trong nước đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị của đất nước, các vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội liên quan đến chủ quyền, biển đảo, ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên để kích động chống phá, phê phán chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử…
Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, góp phần giáo dục tư tưởng chính trị, định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và để công tác tuyên truyền miệng thực sự là vũ khí sắc bén đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, điều chỉnh dư luận xã hội, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong xã hội; cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên; xem đây là một trong những kênh thông tin quan trọng trực tiếp, định hướng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đầy đủ, sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch để nâng cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi; tích cực tham gia phòng chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thứ hai, công tác tuyên truyền miệng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hình thức tuyên truyền miệng phải có sự đổi mới, sáng tạo, nội dung phong phú, bảo đảm tính chính xác và tính thời sự, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trình độ dân trí, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán của nhân dân.
Thứ ba, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng phải không ngừng nghiên cứu, tìm tòi nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn để chuyển tải chính xác, đầy đủ; giải đáp thuyết phục những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng phong cách gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, tạo thiện cảm, niềm tin trong nhân dân.
Thứ tư, ban tuyên giáo thường xuyên phối hợp chặt chẽ với mặt trận, các đoàn thể cùng cấp lồng ghép tuyên truyền miệng trong các hoạt động của tổ chức, đoàn thể, hội viên, đoàn viên và nhân dân ở khu dân cư; tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để công tác tuyên truyền miệng bảo đảm chính xác, kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Thứ năm, ban tuyên giáo cấp ủy chú trọng xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ cốt cán, người có uy tín ở thôn, bản, khu phố, cụm dân cư; kịp thời phổ biến tình hình và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, cũng như các phương thức, thủ đoạn, quan điểm sai trái, thù địch để đội ngũ này thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.
Thứ sáu, ban tuyên giáo, báo cáo viên các cấp, một mặt, đổi mới, phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng; mặt khác, kết hợp tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác như: phát thanh - truyền hình, báo chí, xuất bản, bản tin nội bộ, tổ chức sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, toạ đàm, hội thảo… để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền ở miền núi, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào tham gia các tôn giáo…
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với việc nhận thức và triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã xác định trong các báo cáo tổng kết, công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển biến tích cực hơn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.