Cây keo và chuyện sinh kế

10:09, 28/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rừng phòng hộ đang bị thu hẹp, bởi người dân phá rừng để lấy đất trồng keo. Đó là thực tế đang diễn ra tại khu vực rừng phòng hộ Núi Ngang, thuộc địa phận xã Ba Liên (Ba Tơ). Điều đáng nói là lãnh đạo địa phương cũng biết tình trạng trên, nhưng vì sao việc mất rừng vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác?

TIN LIÊN QUAN


Chủ tịch UBND xã Ba Liên thẳng thắn cho rằng, do người dân xã Ba Liên đã nhường đất, để xây dựng hồ Núi Ngang và trồng rừng phòng hộ ở khu vực này. Tuy nhiên, khi chuyển về nơi ở mới, nhiều hộ không còn đất canh tác, nên họ quay lại lấn chiếm, phá rừng, để lấy đất sản xuất!

Chuyện sinh kế cho người dân tái định cư luôn là bài toán hóc búa ở nhiều địa phương, chứ không riêng gì ở xã Ba Liên. Nhưng không vì thế mà để cho người dân phá rừng, và nhất là trồng keo trên diện tích rừng... phòng hộ!

Cây keo từng là cứu cánh cho nhiều hộ dân có đất rừng. Bởi thế, việc trồng keo diễn ra như một phong trào làm kinh tế mà “lơ” cả quy hoạch, bất chấp môi trường suy thoái. Việc trồng keo thiếu quy hoạch và khai thác gỗ keo ồ ạt sẽ gây nên tác hại nghiêm trọng cho môi trường, mà điều dễ thấy là nó làm biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, phá vỡ cả hệ sinh thái ở nhiều khu rừng trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh.

Để hạn chế tình trạng phá rừng thì người dân tái định cư, cũng như người dân ở miền núi nói chung cần sinh kế bền vững. Nếu không chuyển đổi được ngành nghề cho người dân tái định cư, thì họ cần có tư liệu sản xuất. Giải pháp có thể là “chuyển những vị trí rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất sản xuất, để người dân có nguồn sinh kế”. Nhưng trồng rừng kiểu gì cũng cần tính toán.

Phát triển ồ ạt cây keo chỉ mang lại lợi ích trước mắt (nhưng để lại hệ lụy môi trường rất lớn trong tương lai). Nên chăng, cơ quan chuyên môn ở địa phương hướng dẫn người dân triển khai trồng rừng hỗn giao.

 
Phát triển vốn rừng phải mất cả hai ba chục năm. Vì thế, để lấy ngắn nuôi dài, có thể trồng cây keo lai xen canh cây bản địa (như sao đen, dầu rái, xà cừ, muồng đen, gỗ lim...), với một tỷ lệ phù hợp, nhằm bảo vệ đất rừng. Khi keo đến kỳ thu hoạch, thì rừng với những cây bản địa “vẫn lên xanh”. Và dưới tán rừng, nếu biết đầu tư và khai thác những loại cây trồng phù hợp ở từng địa phương (như trồng mây, cây dược liệu, sa nhân...) cũng đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Khi đó, các mô hình trồng cây dưới tán rừng không những góp phần làm đa dạng hệ sinh thái, mà còn giúp người dân sẽ có thêm nguồn sinh kế từ rừng, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân ở những nơi có rừng.

HOÀNG TRIỀU
 


.