(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Nuôi dạy Trẻ em khuyết tật Võ Hồng Sơn được thành lập từ tấm lòng của những người thiện nguyện, của những doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ vô tư cho những dự án nhân đạo mang lại lợi ích xã hội. Đó là hình mẫu của tấm lòng nhân ái mà xã hội hiện nay đang rất cần. Nhưng để trung tâm này có thể hoạt động một cách lâu dài và bền vững, thì việc chỉ dựa vào khả năng vận động quyên góp tiền từ xã hội là chưa đủ. Đối với loại trung tâm đặc biệt này, Nhà nước không thể đứng ngoài mà phải chung tay cùng xã hội, để trường có thể phát triển và mang lại lợi ích lâu dài.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với cơ sở vật chất khá đầy đủ, với mặt bằng khang trang như hiện nay, việc đầu tư để có một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật Quảng Ngãi coi như đã hoàn tất. Nhưng đó mới là cái “vỏ vật chất”. Muốn cho trung tâm hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, thì phải bảo đảm đời sống cho giáo viên.
Không thể chỉ dựa vào tiền quyên góp của xã hội để trả lương cho giáo viên mãi được, vì sẽ có những lúc tiền quyên góp không đạt đủ số cần thiết để trả lương, thì giáo viên sẽ sống bằng gì? Vì thế, việc Bộ LĐ-TB&XH công nhận Trung tâm Nuôi dạy Trẻ em khuyết tật Võ Hồng Sơn là trường nằm trong chuỗi dự án “trường xã hội” do Bộ quản lý là cần thiết. Khi đó, tất cả giáo viên cơ hữu của trung tâm sẽ được công nhận là giáo viên chính thức, được nhận lương như ở bất cứ trường bán công nào trong nước.
Dù hình thức trường bán công nay đã “thay tên đổi họ”, thì việc trả lương cho giáo viên một trường đặc biệt như Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Võ Hồng Sơn vẫn có thể thực hiện bởi Bộ LĐ-TB&XH. Về việc này, tỉnh cần có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH một cách chính thức, tin chắc rằng Bộ sẽ có phương hướng giải quyết. Vì sự sống bền vững của trung tâm nhân ái này, vì tương lai của trẻ em khuyết tật Quảng Ngãi, rất cần một quyết định sáng suốt từ lãnh đạo tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH.
Tôi đã có dịp lên thăm ngôi trường này từ khi trung tâm mới thành lập, và ngay khi khánh thành, đã có 80 trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng và học tập nội trú tại trung tâm. Cơ sở vật chất của trung tâm đạt chuẩn cho một trường nuôi trẻ khuyết tật. Nơi đây các em khuyết tật không chỉ được học văn hóa mà còn được học nghề, và chỉ sau một năm học, các em đã có những sản phẩm tự tay mình làm, được thị trường chấp nhận. Đó là điều thật sự lớn lao, khiến cả xã hội xúc động.
Chính vì những thành quả ban đầu ấy mà Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Võ Hồng Sơn cần được Nhà nước ủng hộ một cách cụ thể, bằng cách chính thức công nhận đội ngũ giáo viên cơ hữu ở trung tâm là đội ngũ giáo viên “của Nhà nước”. Đây là mô hình trường công-tư rất phù hợp với mô hình đầu tư công-tư mà Chính phủ đang khuyến khích. Đầu tư cho giáo dục, lại là một “kênh” giáo dục đặc biệt như “kênh” giáo dục cho trẻ em khuyết tật, là việc không chỉ nên làm mà còn mang ý nghĩa vinh danh cho sự nhân ái của xã hội.
THANH THẢO