"Đầu ra" cho trí thức trẻ về xã

04:07, 12/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện đề án đưa trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm phó chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đề án này đã trải qua 5 năm, kết quả gặt hái được cũng khá nhiều, song cũng còn không ít những băn khoăn. Một trong những băn khoăn đó là, số cán bộ có năng lực ấy, sau khi hết nhiệm kỳ làm phó chủ tịch xã, sẽ về đâu và làm gì?

TIN LIÊN QUAN


Theo đề án, từ năm 2012, có 134 trí thức trẻ được tuyển chọn giữ chức phó chủ tịch xã ở 16 huyện khó khăn thuộc 6 tỉnh trong khu vực gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng, trong đó tỉnh Quảng Ngãi có 53 người được bố trí tại các huyện miền núi.

Sau khi tham khảo từ thực tế ở các địa phương, Bộ Nội vụ đánh giá dự án đã mang lại nhiều kết quả tốt. Những xã nào có phó chủ tịch là “trí thức trẻ”, thì xã đó đã thay đổi khá rõ. Thay đổi dễ nhận thấy là cách tư duy trong quản lý và điều hành guồng máy cấp xã ở các huyện miền núi.

Vì họ là những thanh niên được học hành bài bản, được trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý, cộng với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, muốn chứng minh về khả năng lãnh đạo của mình, nên sự năng nổ, xông xáo trong công việc là điều dễ thấy nhất.

Sự nhiệt tình của một người trẻ có kiến thức như thế, đã góp phần kéo theo cả một "đoàn tàu" vốn rất trì trệ ở các xã miền núi. Họ không nói suông, mà luôn chứng minh bằng những việc làm cụ thể. Họ lấy thực tế công việc để “nghiệm thu” cho những lý thuyết được học ở trường. Người dân thì chỉ tin khi họ “nhìn thấy” kết quả từ thực tế.

 Hiệu quả là vậy, song sau 5 năm cống hiến, đến nay chỉ có 43/134 phó chủ tịch được bố trí công tác, số còn lại chưa biết sẽ về đâu. Trường hợp như anh Lê Minh Vương, từng là phó chủ tịch xã Trà Xinh, sau thời gian phấn đấu tốt, được đề bạt làm Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tây Trà là rất hiếm hoi.

Cái khó hiện nay là các xã miền núi chỉ được cơ cấu một phó chủ tịch xã, trong khi đó số sinh viên cử tuyển tại những xã có “trí thức trẻ” ấy đã tốt nghiệp và cũng đang chờ việc, nên những người từng làm phó chủ tịch xã trong đề án khó có cơ hội trụ lại, hoặc cất nhắc lên huyện.

Để khỏi lãng phí số “trí thức trẻ” từng được tôi luyện trong thực tế này, các địa phương đã kiến nghị với Bộ Nội vụ cần phải có cơ chế để sử dụng họ. Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi nói: “Chúng tôi muốn số trí thức trẻ này tiếp tục cống hiến, nhưng Bộ Nội vụ phải cho biên chế. Bộ hứa cho thì phải thực hiện”. Có lẽ đó cũng là tâm nguyện của các địa phương có “trí thức trẻ về xã”, chứ không riêng gì Quảng Ngãi.

TRẦN ĐĂNG
 


.