Thi trắc nghiệm và trắc nghiệm thi

11:06, 11/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24.6. Kỳ thi năm nay sẽ thi chủ yếu với hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Đó trước hết là kỳ thi với hình thức trắc nghiệm là chủ đạo.
 
 
Lâu nay, học sinh THPT chúng ta cũng đã làm quen với hình thức thi trắc nghiệm. Kỳ thi này, mỗi thí sinh có mã đề thi trắc nghiệm khác nhau, nhằm hạn chế tối đa việc quay cóp trong phòng thi. Việc chấm hoàn toàn bằng máy cũng nhằm loại trừ sự can thiệp chủ quan của người chấm. Như thế, độ khách quan của điểm thi sẽ đạt tới tối đa.
 
Dĩ nhiên, thi theo hình thức trắc nghiệm cũng không thể tránh sự thiếu chính xác khi đánh giá bài thi của thí sinh. Vì thí sinh, nếu không có kiến thức vững, cũng có thể áp dụng hình thức “may rủi” khi chọn đáp án và nếu... may mắn, vẫn có thể được điểm trung bình.
 
Cũng dĩ nhiên, khi mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm khác nhau, thì việc quay cóp để “gạch tréo” cũng không thể thực hiện được. Mỗi thí sinh hoàn toàn tự quyết định đáp án của mình. Đó chính là sự ưu việt của công nghệ thông tin bây giờ, nó cho phép “cá nhân hóa” đề thi.
 
Các nước tiên tiến đã áp dụng hình thức này từ lâu, nhưng với nước ta, thì hình như đây mới là lần đầu. Thi trắc nghiệm, ở mức độ mong muốn là nhằm trắc nghiệm kiến thức của học sinh dưới hình thức “phổ thông” nhất.
 
Tôi nghĩ, đề thi như vậy sẽ ra không quá khó và nếu thí sinh nắm được kiến thức cơ bản, thì việc trả lời cũng khá nhẹ nhàng. Thi như thế, trước hết, là để “trắc nghiệm” học sinh, đồng thời cũng “trắc nghiệm” khâu tổ chức, trình độ tiếp nhận công nghệ thông tin của bộ máy làm nên kỳ thi.
 
Đó là một bước tiến mới của ngành giáo dục mà chúng ta cần hoan nghênh. Việc tổ chức coi thi cũng nghiêm túc hơn, sử dụng tới 40.000 giảng viên đại học phối hợp cùng các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành để coi thi.
 
Nhưng cả một “lực lượng hùng hậu đông đảo” như thế phục vụ cho một kỳ thi THPT sẽ tiêu tốn ngân sách nhà nước cho kỳ thi này một khoản không nhỏ. Nhưng nếu tỷ lệ tốt nghiệp THPT sau kỳ thi này cũng giống như những kỳ thi các năm trước, thì người ta phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của nó.
 
Theo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thì có thể từ năm 2020 sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa, thay vào đó sẽ là hình thức xét tốt nghiệp dựa vào kết quả 3 năm học THPT. Tôi ủng hộ phương án này, vì nếu kết quả thi tốt nghiệp hay xét tốt nghiệp cũng gần như nhau, thì xét tốt nghiệp sẽ tiết kiệm rất đáng kể kinh phí của nhà nước.
 
Ngân sách quốc gia hiện tại không cho phép bất cứ sự lãng phí nào. Ngày xưa, ông bà mình hay nói: “Học thì phải thi”. Còn ngày nay, không nhất thiết phải thi mới học được. Học tập là câu chuyện cả đời người, không thể chỉ đánh giá qua một số kỳ thi.
 
Tôi cũng mong chương trình đổi mới giáo dục sớm thực thi, để phần “trải nghiệm thực tế” trở thành một phần không thể thiếu trong nhà trường, nó giúp học sinh “học mà chơi, chơi mà học” tránh bớt cảnh phải học ngày học đêm, lúc nào cũng chúi mũi vào sách vở mà kiến thức thực tế vẫn không có được bao nhiêu.  
 
 
 
 THANH THẢO
 

.