(Baoquangngai.vn)- Chiều 13.4, Sở TN&MT tổ chức báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cùng đại diện các Sở, ngành liên quan đến dự hội nghị.
Hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 6 kho thuốc BVTV, trong đó có 5 kho thuốc ngừng hoạt động đã lâu, nhưng không được xử lý kịp thời có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đó là các kho thuốc Phổ Cường, Phổ Minh ((Đức Phổ); Núi Voi, thị trấn La Hà và Quyết Thắng (Tư Nghĩa); Dốc Trạm, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh); Hòa Vinh, xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi).
Theo báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá của Sở TN&MT và Đơn vị tư vấn (Trung tâm tư vấn công nghệ và Môi trường (Bộ TN&MT), sau khi khoan lấy mẫu đất và mẫu nước ngầm tại kho thuốc và khu vực lân cận phân tích cho thấy mức độ vượt quy chuẩn cho phép có những nơi lên đến gần 100 lần, chất lượng ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát tán và gây ô nhiễm chất lượng nước ngầm trong khu vực.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Do vậy, việc xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất BVTV ở các kho này là rất cấp thiết, cần phải thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Trước thực trạng trên, đại diện đơn vị tư vấn đã thông tin về 6 công nghệ xử lý tồn lưu thuốc BVTV hiện nay, trong đó đề xuất phương án xử lý tại Quảng Ngãi là phương pháp hóa sinh để chuyển hóa các chất BVTV sang các chất dễ phân hủy vi sinh, hoàn trả đất về lại nơi bóc tách để tiến hành trồng cây. Kinh phí thực hiện xử lý 6 kho thuốc này khoảng 100 tỷ đồng.
Sở TN&MT đã chọn kho thuốc Hoà Vinh để làm điểm xử lý đầu tiên trong năm 2016. Các kho thuốc còn lại sẽ lần lượt thực hiện trong các năm tiếp theo đến năm 2020.
Qua các ý kiến của đại biểu, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu Sở TN&MT và đơn vị tư vấn bổ sung vào báo cáo kết quả, tìm phương án xử lý phù hợp nhất để làm sao xử lý triệt để vấn đề tồn lưu của các chất độc tại các kho, đồng thời đảm bảo kinh phí tiết kiệm.
Sở TN&MT tìm cơ quan xử lý có kinh nghiệm, xử lý tại chỗ, không mang đất ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác, đảm bảo trả lại đất sạch, có đơn vị đánh giá độc lập, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Rút kinh nghiệm từ các kho thuốc trên, thời gian tới, Sở tăng cường kiểm tra, thanh tra, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc BVTV tại các cơ sở kinh doanh, không để tái diễn tình trạng này, đồng thời nghiên cứu phương án thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Với xã, huyện, thành phố xem đây là bài học kinh nghiệm, tập trung phối hợp với các ngành liên quan quản lý tốt hơn các tổ chức kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn.
Tin, ảnh: Ái Kiều