(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chường trình làm việc, sáng 9.12, các đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa XI đã thảo luận về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020.
TIN LIÊN QUAN
Theo đánh giá, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã đạt được một số kết quả như: Công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa để giảm chi phí nâng cao năng suất; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; cải tạo đàn bò theo hướng thịt; chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đại biểu thảo luận nội dung liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án còn nhiều hạn chế như: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chậm, sản xuất còn manh mún, phân tán. Chăn nuôi trang trại chưa phát triển, chưa xử lý triệt để vấn đề môi trường; dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng vẫn chưa được kiểm soát. Chưa phát triển mối liên kết chuỗi trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Thảo luận Đề án này, các đại biểu cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là chưa có chính sách đủ mạnh để tạo cú hích trong thực hiện Đề án dẫn tới kết quả đạt được chưa cao. Điển hình như chính sách hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa được nhân dân đồng tình, hưởng ứng nhưng mức hỗ trợ quá thấp, chưa khuyến khích người dân tham gia. Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu cây trồng, trước mắt là trên diện tích lúa, một số đại biểu đề nghị cần quy hoạch lại các vùng sản xuất gắn với đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị huyện Mộ Đức cho rằng, muốn sản xuất hàng hóa phải quy hoạch lại diện tích, như vậy mới làm được chứ đất như hiện nay quá mạnh mún, không tập trung thì khó có thể đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, nếu không có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm thì nông dân khó mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tập trung.
Một số đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, nhất là những cây trồng mới được đưa về địa phương trồng thí điểm. Bởi đa phần nông dân gặp khó khăn về vốn nên không mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 9.12 |
Đại biểu Hồ Ngọc Thịnh, đơn vị huyện Trà Bồng cho rằng, những năm qua, Trà Bồng du nhập nhiều loại cây mới bước đầu phát triển tốt nhưng nhân dân chưa dám làm nhiều bởi sợ đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, nếu chúng ta mạnh dạn có cơ chế chính sách hỗ trợ thì người dân sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển, thậm chí đầu tư một cách tập trung.
Chốt lại phần thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là cần thiết, để tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do vậy các ngành, địa phương phải có cơ chế thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nông dân cùng tham gia, có như vậy Đề án mới thực sự hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Muốn làm được điều này thì trước hết chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp phải cùng nhau triển khai. Phải biết doanh nghiệp họ cần cái gì, nông dân tham gia ra sao, hướng phát triển như thế nào... phải tính toán, có như vậy mới triển khai được đề án chứ không thể nói chung chung.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu tham dự kỳ họp đã thông qua Chương trình giám sát năm 2016 của HĐND tỉnh. Thông qua Tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020; Tờ trình đề nghị thông qua các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, giai đoạn 2016 -2020, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phát triển nhanh, bền vững cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa- xã hội, phấn đấu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quản lý, sử dụng và bảo vệ hợp lý tài nguyên môi trường, giữ vững quốc phòng- an ninh, phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm phấn đấu đạt từ 6%-7%. Đến năm 2020, công nghiệp –xây dựng chiếm từ 60%-61%, dịch vụ chiếm từ 28% -29%, nông –lâm –ngư nghiệp chiếm từ 11% -12% trong cơ cấu kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt ít nhất 90.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, có 55 xã và 2 huyện đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Trong phát triển công nghiệp, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp của tỉnh. Thúc đẩy việc sớm hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Phối hợp, đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.
Về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, ưu tiên bố trí nguồn lực, đồng thời, phát huy nội lực trong cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Về phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đảo: Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và du lịch, dịch vụ ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Thiên Đàng, Bình Châu, Thiên Ấn, Cà Đam. Xây dựng huyện Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.
Phấn đấu sớm đưa chợ Quảng Ngãi vào hoạt động, đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển siêu thị, trung tâm thương mại. Tập trung triển khai hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi, chỉnh trị sông Trà. Đẩy mạnh phát triển văn hóa- xã hội, giáo dục- đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, y tế- thể dục- thể thao.
Tờ trình cũng xác định, trong giai đoạn (2016 -2020), tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác quốc phòng- an ninh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, chú trọng cải cách hành chính. Về nội dung này, đại biểu Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị, cần có sự quản lý chặt chẽ việc phát triển thủy điện, đi đôi với việc phát triển thủy điện cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng mặt nước và xả lũ, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Cùng với đó cần tăng cường khuyến khích phát triển BHXH tự nguyện cho các đối tượng lao động nông thôn, lao động ngoài nhà nước mà không thuộc các doanh nghiệp, xí nghiệp, để đảm bảo an sinh xã hội sau này.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016 -2020), tỉnh huy động các nguồn lực để thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá là: Phát triển công nghiệp, Xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng nhất là nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh và 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, ưu tiên 6 huyện miền núi; Phát triển du lịch và kinh tế biển đảo; Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, đồng thời, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Buổi chiều, các đại biểu nghe và cho ý kiến về Tờ trình đề nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2014; Tờ trình về Danh mục dự án cần thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của tỉnh. Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18 ngày 5.10.2012 của HĐND tỉnh về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020; Tờ trình đề nghị thông qua Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020. Tờ trình Quy định giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Các nội dung trên sẽ được Báo Quảng Ngãi điện tử phản ánh trong bản tin sau.
Nhóm PV Quảng Ngãi điện tử