Giá của lòng tốt

10:05, 22/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những cánh đồng dưa của nông dân các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà huyện Sơn Tịnh hiện đã được tiêu thụ hết. Người trồng dưa bây giờ có thể thở phào sau một vụ dưa phập phù giá cả khiến họ nhiều phen lao đao. Thế nhưng, dư âm của vụ dưa chung quanh câu chuyện “giải cứu” của những “hiệp sĩ” cùng nhóm thanh niên tình nguyện của các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên trong tỉnh, trong huyện thì vẫn còn đó.

TIN LIÊN QUAN


Không phải đến vụ dưa này, người trồng dưa mới lao đao về giá cả. Những năm trước đây, cây dưa đã từng đưa họ đến ngưỡng cửa thoát nghèo, nhưng cũng chính loại nông sản ấy đã đẩy họ vào cảnh lao đao. Một khi các loại nông sản, nhất là những loại có “tuổi thọ” ngắn như dưa và các loại trái cây khác phải giao phó hoàn toàn cho thị trường Trung Quốc quyết định thì việc lận đận của những người làm ra nó, là điều dĩ nhiên.

Vụ dưa năm nay cũng lặp lại điệp khúc quen thuộc ấy. Giá dưa đã bị thương lái ép xuống tận đáy. Hàng trăm xe chở dưa phải xếp hàng chờ chực tại cửa khẩu Tân Thanh để xuất qua bên kia biên giới.

Trước tình cảnh ấy, ngay sau trận lũ bất thường khiến nhiều cánh đồng dưa có nguy cơ hư thối phải đổ bỏ, một số bộ, ngành ở Hà Nội đã có sáng kiến tiêu thụ dưa cho nông dân bằng việc vận động cán bộ, viên chức trong cơ quan mình mua dưa về sử dụng. Giải pháp “phủi nóng” này chỉ nói lên cái tình, cái nghĩa với đồng bào mình khi gặp khó chứ không giải quyết căn cơ câu chuyện tiêu thụ nông sản. Thế rồi, những “hiệp sĩ giải cứu dưa” đã xuất hiện. Họ là những doanh nghiệp có, những tổ chức từ thiện có, cả những bạn trẻ thành lập các nhóm thiện nguyện, trực tiếp bán dưa trên các đường phố cũng có. Những nhóm “hiệp sĩ” này đã về tận các cánh đồng dưa để trực tiếp mua dưa giúp bà con. Đoàn thanh niên cũng nhanh chóng  thể hiện vai trò xung kích của mình nên cũng vào cuộc. Câu chuyện “lình xình” bắt đầu từ đó.

Có một tờ báo ở Hà Nội đã cho phóng viên của mình “đi thực tế” về tận vùng dưa để phản ảnh “không khí” giải cứu cây dưa. Thay vì “ca ngợi” những hiệp sĩ ấy, phóng viên lại nói khác đi. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã đứng ra làm khâu trung gian để mua dưa cho bà con là điều rất đáng trân trọng. Cần phải xác định rằng, họ làm khâu trung gian là để tiêu thụ dưa giúp nông dân gặp khó chứ không phải để hưởng chênh lệch giá như một số người đã đoán già đoán non, dù giá mua dưa tại ruộng với giá bán dưa tại Hà Nội có “độ chênh”. Ô hay, sao không đặt câu hỏi, nếu họ không làm khâu trung gian ấy, liệu nông dân có tự nâng giá với thương lái từ 500-600đ/kg lên 3.000đ/kg không? Dĩ nhiên là không rồi, nếu nâng được thì đã nâng rồi, cần gì tới các “hiệp sĩ giải cứu dưa”!

Nhiệm vụ chính của Đoàn thanh niên không phải là đi bán dưa giúp nông dân. Thế nhưng trong lúc dầu sôi lửa bỏng, họ đã làm thay công việc của các nhà quản lý về tiêu thụ nông sản. Thế  nhưng lại mang tiếng dữ. Lòng tốt đã bị hiểu nhầm. Nghĩa hiệp đã bị tổn thương vì những thông tin thiếu chính xác. Nhưng cuối cùng sự thật cũng đã rõ. Mong các bác nông dân không nên quay lưng với những tấm lòng đậm ân tình và đầy sẻ chia ấy của những “hiệp sĩ”.       
     

Trần Đăng


 


.