(Baoquangngai.vn)- Ngày 7.5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp & phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Công thương về tình hình phát triển thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi.
TIN LIÊN QUAN
Theo báo cáo của Sở Công Thương tại buổi làm việc, tổng số các dự án thủy điện quy hoạch trên địa bàn tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3454 ngày 18 tháng 10 năm 2005 và UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 2848 ngày 7 tháng 12 năm 2007 là 25 dự án với tổng công suất hơn 438 MW. Qua các đợt kiểm tra, rà soát, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương loại khỏi quy hoạch 13 dự án không đảm bảo yêu cầu về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, không phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Hiện nay, tổng các dự án thủy điện qui hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn lại 12 dự án với tổng công suất 293,4MW. Đến thời điểm này, tại Quảng Ngãi có các nhà máy thủy điện Cà Đú, Hà Nang, Nước Trong, Đăkring, Hà Riềng và Huy Măng đã đi vào hoạt động.
Quá trình thẩm định, phê duyệt qui hoạch thủy điện, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đúng quy trình, thủ tục, có sự tham gia của Viện Năng lượng thẩm định làm cơ sở cho Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt. Riêng các dự án thủy điện nhỏ do UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đều có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương.
Việc triển khai thực hiện các dự án thủy điện nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển phụ tải sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn điện từ lưới điện truyền tải như hiện nay. Vấn đề cho phép triển khai đầu tư các dự án thủy điện hoàn toàn phù hợp chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm tận dụng, phát huy lợi thế về điều kiện địa hình tự nhiên để sản xuất điện giá rẻ, khắc phục tình trạng thiếu nguồn điện.
Hằng năm, Sở Công Thương đều tổ chức Đoàn kiểm tra công tác quản lý, vận hành các Nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, các Nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ theo quy định về quản lý vận hành Nhà máy thủy điện như: đăng ký an toàn đập, xây dựng phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lụt bão, cắm mốc giới.
Các đại biểu tham gia buổi làm việc |
Cũng tại buổi làm việc báo cáo với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở NN &PTNT cho biết, có 750 hộ/3.031 khẩu bị ảnh hưởng bởi 2 dự án thủy điện Hà Nang, Đakđrinh và dự án thủy lợi Hồ chứa nước Nước Trong phải di dời đến Khu Tái định cư (TĐC).
Trong công tác TĐC, định canh giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, nhìn chung các hộ dân ở các Khu TĐC nhà cửa đã được cải thiện hơn nơi ở cũ, trường mẫu giáo, trường tiểu học được xây dựng khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đồng thời, cuộc sống vật chất tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, ổn định lâu dài, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương.
Tuy nhiên, do khảo sát chưa kỹ và chưa dự lường được các yếu tố ổn định đời sống và việc làm khi người dân bị thu hồi đất chuyển đến nơi ở mới nên đời sống của không ít các hộ dân TĐC còn gặp nhiều khó khen. Bên cạnh đó, chưa hướng dẫn cụ thể và tư vấn được cho người dân nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn vốn từ hỗ trợ, bồi thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Về công tác trồng mới rừng thay thế, trong đó, 2 dự án thủy điện Hà Nang và dự án Hồ chứa nước Nước Trong có diện tích rừng thanh lý và phải trồng rừng thay thế với tổng diện tích trên 83ha. Hiện nay, dự án thủy điện Hà Nang đã lập phương án trồng rừng thay thế đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện trong rừng thay thế trong năm 2015. Dự án Hồ chứa nước Nước Trong hiện UBND tỉnh đang xem xét, bố trí kinh phí trong rừng thay thế năm 2015.
Nhà máy thủy điện Huy Măng vừa đưa vào hoạt động |
Tại buổi làm việc, Sở NN &PTNT kiến nghị Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà thu hồi đất nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương cũng như quy mô các dự án thủy điện. HĐND, UBND tỉnh cần có cơ chế chính sách riêng về bồi thường, hỗ trợ, TĐC đối với những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương và từng dự án. UBND tình chỉ đạo các đơn vị thủy điện nghiêm túc thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Đồng thời, Sở Công thương cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phối hợp với Sở Công Thương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thủy điện trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm đảm bảo chất lượng công trình, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực lớn từ dự án.
Đối với các Chủ đầu tư dự án thủy điện cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa, lắp đặt hệ thống quan sát đóng -mở cửa van nhằm công khai, minh bạch công tác vận hành theo qui trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn tại các nhà máy thủy điện
N.Đức