Cần có chiến lược thúc đẩy Lý Sơn phát triển kinh tế gắn với giữ vững an ninh quốc phòng

10:03, 07/03/2015
.

 


(Baoquangngai.vn)- Ngày 7.3, Ban Chỉ đạo Lý Sơn làm việc với huyện Lý Sơn về việc thực hiện Kết luận số 577 ngày 11.11.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách cho huyện đảo. Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh- Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc.

TIN LIÊN QUAN


Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Võ Phiên cùng đông đảo thành viên của Ban Chỉ đạo.

Thực hiện Kết luận số 577, huyện Lý Sơn đã phối hợp với Sở Xây dựng thống nhất chọn đơn vị tư vấn Công ty Surbana- Singapore và Công ty TNHH MTV Di sản và Đô thị Asoka Việt Nam đang dự thảo đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch trình các sở, ban, ngành chức năng góp ý để hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp tục thực hiện.

Dự kiến đến tháng 7.2015, huyện sẽ khởi công xây dựng 3 nhà vệ sinh công cộng tại 3 khu di tích Chùa Hang, Chùa Đục và Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện công tác dọn vệ sinh môi trường với trên 3.100 người tham gia, BCH Quân sự huyện cũng   đã đúc 20 ống bi bê tông đặt trên các cánh đồng để nhân dân bỏ vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế tình trạng ô nhiễm.

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc.



Trên địa bàn huyện có hơn 6.000 mồ mã nằm rải rác, dự kiến tổng kinh phí di dời trên 46 tỷ đồng. Lý Sơn cũng đã trồng được hơn 71% kế hoạch của dự án trồng rừng và trồng được trên 1.500 cây xanh cảnh quan, nâng độ che phủ đạt 19,4%. Đồng thời huyện kiên quyết cấm không thả, chăn dắt bò, dê lên đồi núi để bảo vệ xây xanh trên đảo.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, huyện đã mở 3 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên khách sạn. Huyện cũng đã xây dựng dự thảo mô hình trồng tỏi kiểu mẫu để phục vụ khách du lịch tạo sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của địa phương. Sắp tới sẽ viết lịch sử thuyết minh tại 24 nhà cổ để phục vụ khách du lịch.

Lý Sơn không có nguồn nước mặt tự nhiên sông suối, nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống trên đảo chủ yếu là khai thác từ nguồn nước ngầm bằng giếng khoan, giếng đào. Hằng năm do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài làm các giếng nước đều nhiễm mặn và cạn nước gây khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, sản xuất

Theo ông Nguyễn Thanh- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn: Năm 2013, ước tính lượng nước thiếu hụt gần 30% nhu cầu sử dụng, việc khai thác nước ngầm hiện nay đang cảnh báo ở mức mất an toàn của túi nước ngầm của huyện. Việc khai thác cát trồng tỏi ồ ạt hiện nay cũng khiến tình trạng sạt lở, xói mòn bờ biển nghiêm trọng, đồng thời việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trồng hành, tỏi gây ô nhiễm môi trường trên đảo.

 

Đoàn đi khảo sát tình hình sử dụng nguồn nước trên đảo.
Đoàn đi khảo sát tình hình sử dụng nguồn nước trên đảo.



Huyện đề nghị tỉnh quan tâm trước mắt cho chủ trương thành lập đội thu gom để phục vụ cho hoạt động của nhà máy xử lý rác thải và giao cho Công ty Cổ phần Cơ điện- môi trường Lilama để khai thác, hoạt động nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện.

Cần xây dựng bể ngầm để chứa nước mưa tại các chân núi để gom nước mưa và xử lý nước biển để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đáp ứng hoạt động du lịch trên huyện đảo. Đồng thời rất cần nghiên cứu đề tài mô hình sản xuất hành, tỏi Lý Sơn không sử dụng cát trắng, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc trừ sâu.

Nhân rộng mô hình tưới phun bán tự động với diện tích khoảng 200 ha, tổng kinh phí 25 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đầu tư 40%; hỗ trợ nguồn vốn để cải táng mồ mã nằm rải rác ở các khu dân cư về khu nghĩa địa tập trung.

Có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách vay vốn ưu đãi của ngân hàng BIDV để đầu tư sắm mới tàu vận tải hành khách phục vụ tuyến Lý Sơn- Sa Kỳ và ngược lại…

 

Đoàn tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát động cán bộ và nhân dân huyện đảo giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đoàn tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát động cán bộ và nhân dân huyện đảo giữ gìn vệ sinh môi trường.



Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh nhấn mạnh: Lý Sơn là đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược quan trọng mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy, Lý Sơn phải có chiến lược toàn diện phát triển theo hướng đô thị biển xanh, sạch, đẹp và phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng.

Để làm được việc này, công tác truyền thông, vận động đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Truyền thông, giáo dục cho người dân ngay từ học sinh lớp 1, đó là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất. Phải cho người dân hiểu về văn hóa ứng xử, về hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường…

UBND tỉnh phải xây dựng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh trên cơ sở đó phát triển chuỗi du lịch cho huyện Lý Sơn, đặc biệt một khi Lý Sơn được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh cũng đề nghị, bên cạnh chiến lược về phát triển du lịch phải thực hiện đồng bộ các chiến lược hỗ trợ trong nông nghiệp, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, môi trường, phục vụ tốt cho khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ tuyến vận tải hành khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn.

Nhân dịp này, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã đi khảo sát để chọn khu vực xây dựng mô hình mỗi du khách đến huyện đảo Lý Sơn trồng cây xanh lưu niệm và mỗi hộ gia đình trồng ít nhất 3 cây xanh mỗi năm để góp phần tạo môi trường trên đảo xanh, sạch, đẹp; khảo sát tình hình sử dụng nước, môi trường và bờ biển; dọn vệ sinh tại khu vực bờ biển và một số khu dân cư ở huyện đảo để phát động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường trên đảo.

 

Tin, ảnh: Ái Kiều
 


.