Quảng Ngãi: Tất bật chống bão

08:10, 14/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Bão số 11 (hay còn gọi là bão Nari) được đánh giá cơn bão mạnh, dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền trong đêm 14, rạng sáng 15.10. Ngay trong ngày 14.10, nhiều địa phương trong tỉnh đã gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão, đặc biệt là công tác di dời dân đến nơi an toàn.

TIN LIÊN QUAN

Di dời dân đến nơi an toàn

Chiều 14.10, chúng tôi có mặt tại các xã khu Đông huyện Bình Sơn, nơi được xem là sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của cơn bão số 11 khi đổ bộ vào đất liền. Tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, 16 giờ chiều, mặc dù bão còn xa đất liền nhưng tại vùng biển này đã có gió cấp 7, cấp 8, những con sóng lớn cao cả mét ầm ầm đập vào bờ.

 

Chiều 14.10, vùng biển Quảng Ngãi đã có sóng rất to.
Chiều 14.10, vùng biển Quảng Ngãi đã có sóng rất lớn.


Không còn chủ quan như những lần trước, lần nay nhiều hộ dân sống ven biển thôn Phước Thiện đã lo chằng chống nhà cửa, đưa các thúng, ghe của mình lên bờ để phòng chống bão. Bà Huỳnh Thị Thúy, một trong những hộ dân có nhà nằm sát biển cho biết: Từ sáng giờ, gió rất lớn, kèm theo mưa, nhất là buổi chiều, gió cứ mạnh lên dần. Với đà này, thì đêm nay những cột sóng cao sẽ phủ hết những ngôi nhà ven biển này.

Vì vậy mà ngay trong chiều 14.10, bà đã cùng gia đình chằng chống lại nhà cửa, rồi vận chuyển hết vận dụng cần thiết gửi ở nhà trong xóm. Cũng giống như gia đình bà Thúy, anh Nguyễn Đức Hiệu (34 tuổi) ở thôn Phước Thiện ngay trong chiều 14.10 đã đưa vợ con và vật dụng của gia đình vào gửi những nhà quen ở xóm trong.

 

Người dân đưa thúng vào bờ trú bão.
Người dân đưa thúng vào bờ trú bão.

Anh Hiệu cho biết, qua nghe đài, đặc biệt là thông báo của xã về diễn biến của bão số 11, anh không thể chủ quan, nhất là từ trưa, bờ biển của xã đã xuất hiện những cơn gió mạnh. “Gió bão thì không thể chủ quan được, nhất là bão đổ bộ vào ban đêm thì càng cảnh giác hơn. Bao nhiêu trường hợp người dân chủ quan và hậu đã xảy ra”- Anh Hiệu nói.

Ông Bùi Trạng- Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, đến thời điểm này thì nhiều tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào bờ, chỉ có vài chiếc thuyền bị hỏng máy đành neo đậu lại bờ. Hiện thôn Phước Thiện có trên 200 hộ nằm ở vùng ven biển cần phải được di dời khẩn cấp trước 21 giờ ngày 14.10. Trong buổi sáng, xã cũng đã dùng loa tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã đi đến từng gia đình để vận động người dân di dời đến nơi an toàn.
 
Hiện có nhiều hộ dân đã chấp hành, tuy nhiên nhiều hộ vẫn còn cố chấp. Hiện chúng tôi tiếp tục vận động người dân di dời, nếu những hộ dân nào không chấp hành thì chúng tôi sẽ lập biên bản và cương quyết phải đưa đi, không thể để tính mạng người dân nguy hiểm.

Ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Theo thống kê thì huyện có trên 2.000 hộ với trên 8.000 nhân khẩu phải di dời trước 21 giờ ngày 14.10. Huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, tuyệt đối không để một người dân nào nào ở lại khi bão đổ bộ vào.
Nhiều ngôi nhà ở vùng biển Bình Hải đã đóng cửa di dời để
Nhiều ngôi nhà ở thôn Phước Thiện, Bình Hải đã đóng cửa để di dời đến nơi an toàn.


Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, thì hiện toàn tỉnh có trên 54.000 hộ với 216.000 nhân khẩu nằm trong kế hoạch di dời bão số 11. Tuy nhiên, số hộ có nguy cơ cao cần phải di dời khẩn cấp là 5.189 hộ với 21.370 nhân khẩu. Đây là những hộ nằm ở vùng ngập, sạt lở đất, hạ lưu công trình thủy điện.

Chủ động đối phó với bão số 11

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn thì do ảnh hưởng của bão số 11, nên vùng biển Quảng Ngãi trong đêm 14.10 và ngày 15.10 sẽ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng biển khu vực Bình Sơn sẽ có gió mạnh cấp 8, cấp 9.
 
Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10). Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, chiều 14.10, ở huyện Lý Sơn có gió bão cấp 8, cấp 9. Huyện đã tiến hành di dời hơn 40 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các trường cho học sinh toàn huyện được nghỉ học từ ngày 14.10 đến khi hết bão.


Chiều 14.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 11 tại các địa phương. Tại các nơi đến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với bão số 11 theo tinh thần công điện của tỉnh và TƯ.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cùng các sở, ngành đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 11 tại xã Bình Hải.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cùng các sở, ngành đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 11 tại xã Bình Hải.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương hướng dẫn cho ngư dân neo trú tàu an toàn. Thông tin cho người dân biết về cơn bão số 11, và tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn. Đặc biệt là phải khẩn trương di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, sở ngành kiểm tra, ra soát, bổ sung phương án chuẩn bị hậu cần, đặc biệt là việc trữ lương thực, thực phẩm. Tuyệt đối không để người dân bị đói, rét trong thời gian bị bão, lũ chia cắt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các địa phương, tùy theo tình hình thực tế của bão, lũ chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh. Ngoài ra, các địa phương cũng nghiêm túc thực hiện trực nghiêm túc 24/24.


Bài, ảnh: M.Toàn

 

Trà Bồng: Di dời 900 người dân ra khỏi vùng sạt lở núi.

 
Do ảnh hưởng của bão số 11, trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng đã xuất hiện mưa lớn cùng với gió mạnh nên nguy cơ xảy ra sạt lở núi là rất cao. Chiều ngày 14.10, Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Trà Bồng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thông báo và di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nhà tạm và các nơi an toàn.
 
Ngay sau khi nhận được thông báo của chính quyền thôn về tình hình mưa bão, 26 hộ dân nằm trong vùng sạt lở núi ở thôn Ka Tinh, xã Trà Sơn đã sắp xếp đồ, lương thực, thực phẩm, di chuyển đến nhà tạm mà thôn đã dựng sẵn.

Theo phương án của huyện, những hộ dân nằm trong vùng sạt lở núi cao sẽ được di dời trước 19 giờ ngày 14.10, những hộ còn lại sẽ tiếp tục di dời ra khỏi vùng sạt lở núi trước 12 giờ ngày 15/10/2013. Các địa điểm di dời đã được các xã dựng 20 nhà tạm và các điểm trường học, UBND xã và nhà dân kiên cố.

Theo ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy PCLB & TKCN Trà Bồng,  lo lắng nhất của huyện là hơn 900 người dân nằm trong vùng sạt lở núi, nên đã chủ động di dời, đến 19 giờ ngày 14.10 phải hoàn thành các công việc, phương án lánh nạn cho dân.

Hiện trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng tiếp tục có mưa lớn, Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Trà Bồng đang tiếp tục di dời lánh nạn cho các hộ dân, nhằm đảm bảo an toàn  tính mạng cho nhân dân.
 
 
Đ.Long

 

 


.