Cập nhật: Bão số 11 gây nhiều thiệt hại trên địa bàn Quảng Ngãi

10:10, 15/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 15.10, ông Phan Văn Ơn- Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết, bão số 11 tuy không đi vào trực tiếp tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn.

 
Tại huyện Tư Nghĩa, trưa ngày 15.10, ông Nguyễn Thiên Thanh- Phó Ban PCLB&TKCN huyện cho biết: Bão số 11 đã gây mưa lớn, làm tốc mái nhiều nhà dân và sạt lở nghiêm trọng đường giao thông nông thôn, bờ sông, bờ biển trên địa bàn huyện. 
 
Đến thời điểm này Tư Nghĩa có 26 nhà bị tốc mái; 670 ha hoa màu, lương thực bị ngã  đổ; 16 đập kiên cố, đập bổi bị bị sạt lở, bồi lấp trên 7.000m³. Bến Cổ Lũy giáp với cửa Đại bị bồi lấp hoàn toàn làm cho tàu thuyền không thể ra vào được. 

 

Nước biển đã tiến sát vào các cọc tre chống sạt lở ở Nghĩa An.
Nước biển đã tiến sát vào các cọc tre chống sạt lở ở Nghĩa An. Ảnh: Ái Kiều
 
8 hồ nuôi tôm của các hộ dân ở Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà và Nghĩa Phú bị sạt lở hoàn toàn. Đặc biệt, bờ biển xã Nghĩa An bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền thêm 10m, đang uy hiếp nhà của 10 hộ dân với trên 50 nhân khẩu, trong đó có 5 hộ với 25 nhân khẩu đã di dời khẩn cấp. Ước tổng thiệt hại trên địa bàn huyện lên đến 10 tỷ đồng.
 
Theo ông Nguyễn Thiên Thanh: “Ban PCLB&TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục những thiệt hại do bão gây ra. Huyện sẽ duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn và tổ chức trực ban 24/24, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi khi chưa có lệnh của Ban PCLB&TKCN tỉnh”.
 
Tại huyện Trà Bồng, theo báo cáo của Ban PCLB &TKCN huyện mưa lớn đã gây sạt lở khoảng 8.300 khối đất ở nền đường của 9 tuyến giao thông dẫn từ xã về các thôn khiến giao thông ở đây hoàn toàn bị tê liệt. Ngoài ra, mưa lũ cũng cuốn trôi và làm hư hại khoảng 500 mét kênh ở 4 công trình thủy lợi; 1 người bị thương nặng, 3 nhà sập hoàn toàn, 43 nhà bị tốc mái nhẹ; nhiều công trình nước sinh hoạt bị cuốn trôi.

Đồng thời, gió mạnh đã gây ngã đổ gây thiệt hại gần 60 ha keo của người dân và  ảnh hưởng hệ thống điện tại trạm 35 gây mất điện hoàn toàn trên địa bàn huyện. Đến trưa 15.10, hệ thống điện của huyện Trà Bồng vẫn chưa được khắc phục. Riêng các công trình hồ đập trên địa bàn huyện hiện vẫn an toàn.

Ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban PCLB&TKCN huyện Trà Bồng cho biết: Hiện nay huyện đang tập trung chỉ đạo các lực lượng xung kích và lực lượng công an, huyện đội đi kiểm tra các tuyến đường có cây ngã đổ để thông tuyến. Đồng thời, vận động thanh niên xung kích dọn dẹp đất bị sạt lở các tuyến đường để đảm bảo thông tuyến giao thông.

"Hiện nay trên địa bàn huyện gió đã giảm nhưng vẫn còn mưa lớn. Nên huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung bám sát địa bàn và ở 8 điểm có nguy cơ sạt lở núi đã có phương án di dời dân vào nhà tạm. Chính quyền địa phương vẫn đang theo dõi tình hình thời tiết để chỉ đạo kịp thời. Hiện người dân vẫn ở khu nhà tạm, chúng tôi theo dõi nếu thấy ổn mới để người dân về lại nhà"- ông Sương cho biết thêm.

Còn tại huyện miền núi Tây Trà, trưa ngày 15.10, qua trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hiền- Phó Ban PCLB& TKCN huyện cho biết: Đến thời điểm này, mưa lớn gây sạt lở đã làm ách tắc giao thông ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Hiện, các tuyến đường về 4 xã Trà Nham, Trà Thọ, Trà Khê, Trà Xinh bị ách tắc, xe ô tô không đi lại được. Huyện đã di dời  khẩn cấp 17 hộ với 63 nhân khẩu ở điểm có nguy cơ sạt lở cao thuộc  tổ 8, thôn Trà Ong,  xã Trà Quân đến nơi ở tạm an toàn.

Tính đến thời điểm này, bão số 11 đã làm 3 nhà của người dân bị sập hoàn toàn, 4 nhà bị tốc mái; hệ thống điện của trên địa bàn huyện Tây Trà cũng bị mất điện từ tới 20 tối ngày 14.10 đến trưa 15.10 vẫn chưa khắc phục được.

"Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 11, Ban PCLB&TKCN huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục những thiệt hại do bão gây ra và bố trí người túc trực theo dõi  thường xuyên tình hình diễn biến của bão, chủ động sẳn sàng đối phó mọi tình huống xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra"- ông Phan Văn Hiền cho biết.

Tại huyện đảo Lý Sơn, bắt đầu từ 21 giờ 30 phút tối 14.10 đã có gió bão mạnh cấp 10 cấp 11, giật cấp 12. Gió lớn kèm theo mưa to đã làm hệ thống đường dây nhà máy điện gặp sự cố, toàn đảo bị mất điện. Đến 1 giờ sáng ngày 15.10, mưa gió liên tục gầm thét và tàn phá nhà cửa của dân. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Tuyến đường liên xã có chiều dài gần 10km bị tê liệt do cây cối đổ chắn ngang đường. Nhiều trường học, cơ quan và các công trình phúc lợi bị mưa bão gây hư hại. Hàng chục trụ điện, trụ viễn thông cùng hệ thống dây truyền thanh bị đứt. Tuyến kè Đông Nam đảo cũng bị sóng biển cao từ 7 -10m liên tục xô bờ và uy hiếp.

 

Cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông trên tuyến đường liên xã.
Cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông trên tuyến đường liên xã.

 

Hàng ngàn nhà cửa của dân các cơ quan, công trình phúc lợi bị gió bão làm tốc mái.
Nhiều nhà cửa của dân và các cơ quan, công trình phúc lợi bị gió bão làm tốc mái.
 Hàng trăm tàu cá của ngư dân bị va đập và bị sóng biển nhần chìm.
Nhiều  tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị va đập và sóng biển nhấn chìm.

Tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải, chỉ trong một đêm hàng chục tàu cá của ngư dân neo đậu tại đây bị va đập, làm, hư hại. Nhiều tàu cá bị sóng biển nhấn chìm cuốn trôi toàn bộ ngư cụ.

Đến 7 giờ sáng nay, trên đảo còn gió bão cấp 7 cấp 8 kèm theo mưa to, chính quyền huyện Lý Sơn đang khẩn trương chỉ đạo cho địa phương các xã, phối hợp với lực lượng chức năng phân công lực lượng kịp thời cứu hộ, ứng cứu người dân cùng tài sản bị nạn trong mưa bão.
 
Tổng hợp ban đầu từ các địa phương tính đến 9 giờ 30 phút sáng 15.10 cho biết, bão số 11 đã làm một người ở huyện đảo Lý Sơn bị thương nặng. Thiệt hại về tài sản sơ bộ có 80 nhà dân bị tốc mái, trong đó Bình Sơn có 3 nhà, Lý Sơn 75 nhà, Sơn Tây 2 nhà và 10 nhà tạm ở Khu tái định cư huyện Sơn Hà bị sập. 5 trường học ở Lý Sơn bị tốc mái.

 

Nhiều hộ dân ở xã Bình Hải  kiểm tra lại nhà cửa sau một đêm trú bão
Nhiều hộ dân ở xã Bình Hải đã trở về lại nhà sau một đêm di dời trú bão.

Về giao thông, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi bị sạt lở, cô lập, nhiều nhất là ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà. Về thủy lợi, hơn 4 tuyến kênh mương bị sạt lở, với trên 7.300m3, chủ yếu ở huyện Trà Bồng.
 
Về thủy sản đã có một tàu của ngư dân Lý Sơn bị chìm và 30 tàu khác bị hư hỏng do va đập. Mưa bão cũng đã khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại. Trong đó có trên 150 ha hành, tỏi của nông dân Lý Sơn bị mất trắng; trên 60 ha cây keo ở Trà Bồng bị ngã đổ…

Sáng 15.10, trên địa tỉnh vẫn còn mưa và gió, thế nhưng nhiều hộ dân di dời đến nơi an toàn trong đêm 14.10 do lo lắng nhà cửa của mình nên đã trở về lại nhà.
 
 
Tin, ảnh: Văn Mịnh- M.Toàn - N.Đức - A.Kiều

 


.