Đề nghị cấp 1.000 tấn gạo cho người dân mắc bệnh viêm da dày sừng

02:03, 16/03/2013
.

(QNĐT)- Sáng 16/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn các biện pháp can thiệp phòng chống Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích chủ trì hội nghị.

TIN LIÊN QUAN


Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận tại Ba Tơ vào ngày 19/4/2011. Tính đến ngày 8/6/2012, Ba Tơ có 240 trường hợp mắc và 24 người đã tử vong. Sau gần 8 tháng bệnh tạm lắng, từ 15/2 đến ngày 15/3/2013, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 16 trường hợp mắc mới và tái phát tại Ba Tơ và Sơn Hà

Trước sự nguy hiểm của bệnh, ngành y tế đã và đang cùng với chính quyền địa phương tích cực, đồng bộ triển khai các nhóm biện pháp như: huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh môi trường; nâng cao thể trạng và giải pháp về chuyên môn, duy trì giám sát tại cộng đồng, khám bệnh, cấp thuốc, xét nghiệm sàng lọc… và điều trị theo phát đồ của Bộ Y tế.

Bác sỹ Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, đề nghị ngành y tế cần gấp rút triển khai các biện pháp giải độc tố Aflatoxin. Đồng thời tiến hành khảo sát, lấy mẫu tại các địa phương khác.

Ông Lê Hàn Phong-  Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cũng tỏ ra lo ngại:  Bệnh xuất hiện từ năm 2009 chứ không phải năm 2011, nhưng thời điểm đó ngành y tế địa phương không xác định được bệnh. Huyện chỉ đạo  ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo ngành y tế, tuy vậy, bệnh vẫn có nhiều khả năng bùng phát.

 

Bệnh lạ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.


Về nghi vấn nguyên nhân gây ra bệnh là do độc tố Aflatoxin có trong gạo mốc, ông Lê Hàn Phong cho rằng, chưa có tính thuyết phục bởi nhiều gia đình không ăn gạo theo cách bảo quản từ xưa đến nay vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, địa phương kiến nghị UBND tỉnh, Chính phủ hỗ trợ thêm gạo cho người dân.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, ngành y tế tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp đã và đang triển khai. Thường xuyên theo dõi sát tại cộng đồng, kịp thời phát hiện các ca bệnh. Xử lý độc tố nấm tại các chòi đựng lúa, tiến hành các biện pháp khuyến cáo người dân thay đổi thói quen bảo quản lương thực sau thu hoạch.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Lê Quang Thích cho rằng, tình hình bệnh năm nay diễn tiến khá phức tạp, phạm vi bệnh mở rộng, không loại trừ khả năng sẽ lan rộng.

Trong thời điểm này, ngày y tế cần bám sát cơ sở. Tăng cường giám sát tại cộng đồng; khám sàng lọc, cấp thuốc, theo dõi diễn biến bệnh; tuyên truyền, giúp người dân yên tâm điều trị bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ động các biện pháp ứng phó nếu diễn biến bệnh gia tăng...

UBND tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ cấp 1.000 tấn gạo cho người dân sử dụng trong vòng 6 tháng. Trong thời gian chờ đợi, UBND tỉnh, UBND huyện Ba Tơ và Sơn Hà sử dụng ngân sách địa phương kịp thời cấp gạo cho những gia đình có người mắc bệnh. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ chi phí chuyển bệnh nhân từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh.

Ngành giáo dục cần có biện pháp kịp thời giúp học sinh có người nhà mắc bệnh đang điều trị tại bệnh viện duy trì học tập, không để học sinh bỏ học vì gia đình khó khăn. Tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ công trình nước sạch, hệ thống bảo quản lương thực sau thu hoạch…



Tin, ảnh: Ái Kiều
                                                                         
 


.