Quảng Ngãi: Bắt đầu chịu ảnh hưởng bão số 7, mưa lớn trên diện rộng

08:10, 06/10/2012
.

* Vẫn còn 489 tàu với 4.826 lao động trên biển

 

(QNĐT)- Theo báo nhanh của Ủy ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi,  do ảnh hưởng của bão số 7 nên từ rạng sáng 6/10, trên địa bàn Quảng Ngãi đã có mưa trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được đến 7 giờ ngày 6/10 là từ 4-13 mm. Tuy nhiên, từ trưa và chiều tối nay, lượng mưa sẽ tăng lên từ 150-300mm.
 
 
Theo Báo cáo nhanh của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 7 giờ 00 phút ngày 6/10,  tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển tại các khu vực là: 489 phương tiện/ 4.826 lao động (giảm 128 phương tiện/1.220 lao động so với thời điểm 22 giờ ngày 5/10/2012). Cụ thể vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 5 phương tiện với 72 lao động.
 
Vùng biển quần đảo Trường Sa có 93 phương tiện với 1.971 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc có 209 phương tiện với 1.670 lao động; vùng biển Đà Nẵng có 10 phương tiện với 58 lao động; vùng biển phía Nam có 143 phương tiện với 885 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 29 phương tiện với 170 lao động.

 

Tàu thuyền được kêu gọi về neo trú tránh bão tại vũng neo trú Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh
Tàu thuyền được kêu gọi về neo trú tránh bão tại vũng neo trú Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh
 
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đài canh duy trì liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển, thông báo tình hình diễn biến bão số 7 và hướng dẫn các phương tiện phòng, tránh bão an toàn; rà soát, thống kê nắm chắc số người, phương tiện hành nghề trên biển.
 
Hiện công tác di dời, sơ tán nhân dân ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao đang được các địa phương triển khai khẩn trương.  Tính đến 20 giờ ngày 5/10, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 212 hộ ở vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, vùng lòng hồ thủy điện, vùng ngập lũ (Ba Tơ: 99 hộ, Sơn Tây: 11 hộ, Nghĩa Hành: 102 hộ). Theo kế hoạch, toàn tỉnh có 13.600 nằm trong diện di dời khẩn cấp, hiện các địa phương cũng đã sẵn sàng triển khai di dời, sơ tán khi có lệnh.
 
Sáng 6/10, trên địa bàn huyện Đức Phổ đã có mưa rất to. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vùng thấp trũng đã có ngập cục bộ. Tại vùng biển Sa Huỳnh, mưa to kèm gió lớn đã xuất hiện nhiều đợt sóng cao.

Lãnh đạo huyện Đức Phổ đã đi thị sát tình hình neo trú tàu thuyền tại xã Phổ Thạnh. Ảnh: Đức-Triều
Lãnh đạo huyện Đức Phổ đã đi thị sát tình hình neo trú tàu thuyền tại xã Phổ Thạnh. Ảnh: Đức-Triều

 

Trước tình hình bão số 7 đang di chuyển vào gần bờ biển Đức Phổ, nơi giáp ranh với vùng biển tỉnh Bình Định, các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ đã được huy động đến trực tại các nơi xung yếu nằm ven biển, nơi được nhận định là có nguy cơ xảy ra sạt lở và triều cường cao.

 
Ông Trần Em- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đã đi thị sát tình hình neo trú tàu thuyền tại xã Phổ Thạnh và một số điểm dễ xảy ra sạt lở, đồng thời chỉ đạo các địa phương chống ngập, sạt lở, triều cường; chủ động triển khai kế hoạch di dời khoảng 200 hộ dân ở xã Phổ Thạnh hộ nếu cần thiết. Theo ông Em, gần 2.000 tàu thuyền của huyện đã vào bờ neo đậu an toàn.

Đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra các hồ chứa nước xuống cấp trong huyện. Hiện mực nước tại các hồ chứa đang lên, do đó chính quyền yêu cầu người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng cần chủ động đối phó với tình huống nước tràn, vỡ đập và phải di dời ngay lập tức nếu có hướng dẫn của chính quyền.

Bên cạnh đó, Đồn biên phòng Sa Huỳnh cũng đã thành lập tổ kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân. Thượng tá Lê Văn Đình- Đồn trưởng đồn Biên phòng Sa Huỳnh, cho biết: “Nếu ngư dân không chấp hành việc neo đậu đúng quy định thì Đồn sẽ cử ca nô đến từng tàu “cưỡng chế”. Người dân phải tự ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Nếu ai vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Ngoài ra, Đồn biên phòng Sa Huỳnh đã có phương án phối hợp với chính quyền để đối phó với cơn bão số 7”.
 
Tại huyện Bình Sơn: Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 2.730 hộ dân với 13.570 khẩu đang nằm trong vùng cần di dời khẩn cấp đã được lực lượng tại chỗ túc trực sẵn sàng di dời. Những hộ nằm trong vùng nguy hiểm đã được di dời ngay trong sáng 6/10. Theo đó, các địa điểm di dời tại chỗ đã được xác định trước đó như: Trường dạy nghề Dung Quất; các xí nghiệp, nhà máy trong khu kinh tế Dung Quất, các Đồn Biên phòng; trụ sở UBND các xã; trường học...

Lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên... cũng được huy động và trong tư thế sẵn sàng. Hầu hết các phương tiện tại chỗ như ca nô (4 chiếc), ghe máy (50 chiếc), phao cứu sinh (1.500 phao), xe vận tải nhỏ (50 xe) cũng được huy động. Máy phát điện, máy Icom, đài trực canh...

Hơn 5 tấn gạo; 200 thùng mì ăn liền; 200 thùng nước uống đóng chai; 45 liều bạc che mưa cùng 300 triệu đồng tiền mặt cũng được huyện dự trữ trong tư thế cần là có.

Bên cạnh đó, với 58 hồ, đập trên địa bàn toàn huyện phần lớn đã được xây dựng trên 30 năm đều xuống cấp nghiêm trọng huyện đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành xã lũ. Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị lên Ban quản lý thủy điện Hà Nang cần tuân thủ quy trình xã lũ theo cam kết.

Hiện còn 1 tàu cá của ông Nguyễn Tận (Bình Châu) mang số hiệu QNg 95025 TS, công suất 165 CV với 11 lao động đang chạy vào đảo Cù Lao Xanh (Bình Định) còn cách đất liền khoảng 50 hải lý. Hầu hết số tàu thuyền còn lại của huyện đã được thông báo trước đó đã tìm về nơi neo trú an toàn. 

 

Người dân các địa phương chủ động dùng bao cát chằng chống nhà cửa.
Người dân các địa phương chủ động dùng bao cát chằng chống nhà cửa.
 
Theo UBND Trà Bồng, huyện đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, 20 cơ số thuốc, 80 triệu đồng và dự trữ khoảng 20 tấn gạo, đồng thời sẵn sàng phương án di dời sơ tán 1.556 hộ ở các khu vực có nguy cơ cao, trong đó có 210 hộ vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi thuộc diện di dời tạm; điều động lực lượng quân sự huyện giúp nhân dân tại các vị trí có nguy cơ sạt lở núi thuộc các xã: Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Bùi dựng lán trại, nhà bạt tại nơi ở tạm.
 
Còn tại huyện Sơn Tây đã dự trữ gạo tại mỗi xã khoảng 2 tấn, ở huyện 4 tấn. Huyện Minh Long đã dự trữ tại xã Long Môn 2,5 tấn gạo. Huyện Lý Sơn đã dự trữ 52 tấn lương thực (Xã An Bình: 02 tấn; 2 xã An Hải và An Vĩnh: 50 tấn) và dự trữ trong dân đảm bảo khoảng 15 ngày.
 
 
M.Toàn-P.Triều-N.Đức-L.Đức-X.Thiên
 
 
 
 
 

.