Quảng Ngãi: Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 7

09:10, 06/10/2012
.

(QNĐT)- Đến chiều 5/10, mặc dù trên địa bàn Quảng Ngãi chưa chịu ảnh hưởng nhiều của cơn bão số 7, thế nhưng các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã ven biển đã chủ động phương án đối phó với bão số 7 một cách hết sức nghiêm túc.

TIN LIÊN QUAN

 

Người dân thôn An Cường dồn bao cát để chằn chống nhà cửa đối phó với bão.
Người dân thôn An Cường dồn bao cát để chằng chống nhà cửa đối phó với bão.


Thôn An Cường, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn- là nơi luôn chịu nhiều thiệt hại nặng do mưa bão. Trong hai ngày qua, người dân nơi đây đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Nhiều thanh niên trong thôn đã ra bãi biển để dồn cát vào các bao để chằng chống lại các mái nhà. Anh Nguyễn Thanh Tưởng, thôn An Cường cho biết, sau khi nghe đài cũng như biên phòng và địa phương thông báo về cơn bão số 7, tôi cùng với anh em trong xã đã mang bao tải ra biển dồn cát, sau đó chở về chằng chống lại các mái nhà.

Không chỉ có thanh niên trong thôn, mà phụ nữ cũng tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Chị Lê Thị Tích, thôn An Cường cho biết, hai ngày nay, sau khi nghe đài, rồi bộ đội biên phòng và xã thông báo bão số 7, tôi đã tranh thủ mua, dự trữ lương thực, thực phẩm và thuốc men. Ngoài ra cũng tranh thủ ra bãi biển phụ giúp chồng và con chở bao cát về chằng chống nhà cửa. "Mỗi người một việc, mình phải rút kinh nghiệm những cơn bão, triều cường mọi năm"- Chị Tích chia sẻ.

 

Lợp, đóng lại mái tôn để bão khỏi làm tốc mái.
Lợp, đóng lại mái tôn để bão khỏi làm tốc mái.


Không chỉ có người dân, mà trong sáng 5/10, chính quyền, lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương của xã Bình Hải cũng đã xuống tận các nhà dân để thông báo tình hình của bão và các biện pháp đối phó. Đối với những hộ dân thuộc diện phải di dời, địa phương và biên phòng cũng đã quán triệt để người dân chủ động di dời khi có lệnh.

Ông Nguyễn Hữu Công, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, toàn xã Bình Hải có 4 thôn, với 2.300 hộ, thì trong đó có 410 hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao khi có bão và triều cường, trong đó tập trung chủ yếu ở hai thông ven biển là Lệ Thủy và An Cường. Hiện, xã cũng đã lên phương án và chọn địa điểm, khi có lệnh sẽ tiến hành di dời những hộ dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, đến thời điểm này, xã cũng đã kêu gọi tất cả các tàu vào tìm nơi trú bão an toàn.

 

Bộ đội giúp ngư dân đưa ghe tàu vào bò trú bão an toàn.
Chiến sĩ bộ đội biên phòng giúp ngư dân đưa ghe tàu vào bờ trú bão an toàn.


Ông Phạm Hùng-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, toàn huyện Bình Sơn có 1.500 hộ dân nằm trong vùng di dời khẩn cấp. Hiện mọi phương án di dời đã được chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh các địa phương sẽ huy động lực lượng để giúp dân di dời đến nơi an toàn.

Còn tại huyện Sơn Tịnh, công tác phòng chống lụt bão cũng đã được địa phương này triển khai rốt ráo. Ông Phạm Vinh-Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, huyện đã chỉ đạo, phân công cho các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB&TKCN của huyện xuống từng địa phương phụ trách để kiểm tra, triển khai phương án đối phó và giúp dân khi cần thiết.

 

Vẫn còn nhiều ngôi nhà nguy hiểm trước biển.
Vẫn còn nhiều ngôi nhà nguy hiểm trước biển.

 

Tại khu neo trú bão Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh đã yêu cầu Ban quản lý khu neo đậu kiểm tra thường xuyên và nhắc nhở các chủ phương tiện neo cột an toàn, đồng thời nghiêm cấm ở lại trên tàu khi có bão. Hiện đối với một số ghe tàu nhỏ đang neo đậu sát bờ, huyện cũng đã chỉ đạo cho địa phương và biên phòng trong chiều 5/10 phải yêu cầu các ghe tàu này vào bờ, nếu không sẽ tiến hành lập biên bản và tổ chức đưa tàu ra kéo vào.
 
Tại huyện Đức Phổ, nơi được dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng nặng khi bão đi vào đất liền cũng đang gấp rút triển khai tất cả các phương án chuẩn bị, phòng tránh trước khi bão đổ bộ vào bờ. Các địa phương trong huyện đã vận động người dân chằng chống nhà cửa, đốn chặt cây xanh có nguy cơ ngã đã, tổ chức kiểm tra các hồ chứa nước và chuẩn bị sẳn sàng để di dời hơn 200 hộ dân ở các xã Phổ Châu, Phổ Thạnh và Phổ Vinh đến nơi an toàn khi xảy ra mưa bão.
 
Chiều ngày 5/10, hơn 500 tàu cá của ngư dân đã vào neo trú an toàn tại hai cửa biển Sa Huỳnh và Mỹ Á. Hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương đang hoạt động trên các vùng biển trong và ngoài tỉnh đã tìm nơi trú ẩn an toàn.

Ông Lê Văn Mùi – Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Đến 16 giờ ngày 5/10, có 1.188 tàu cá của ngư dân trong huyện đã vào đến bờ trú tránh an toàn, 182 tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Vũng Tàu và Kiên Giang. Riêng 12 tàu cá với 120 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Quảng Bình đang trên đường vào bờ.
 
Dự kiến đến 19 giờ cùng ngày, những tàu cá trên sẽ vào nơi neo đậu để tránh bão số 7. UBND huyện đã chỉ đạo ngành y tế cùng với các đơn vị vũ trang thành lập các Trạm y tế dã chiến tại những khu vực đông dân cư để sơ cứu những trường hợp bị nạn do mưa bão.
 
Tại huyện Tư Nghĩa, theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó ban Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Tư Nghĩa cho biết: Hiện tại, huyện  đang tập trung triển khai các phương án phòng chống lụt bão đến cơ sở. Trong đó, ưu tiên công tác chọn, xác định địa điểm để di dời dân khi mưa bão xảy ra đe doạ đến tính mạng, tài sản của dân; gia cố đê kè hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi;  rà soát, thống kê để trang bị thêm các phương tiện cứu hộ cứu nạn; tăng cường tuyên truyền đến nhân dân vùng có nguy cơ chủ động '"chạy lũ".
 
Riêng đối với ngư dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động đưa tàu thuyền về tránh trú ở cảng Sa Kỳ hoặc đang ở vùng biển nào thì tránh bão ở vùng biển đó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
 
Lãnh đạo huyện Tư Nghĩa kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân. Ảnh: T.Nhị
Lãnh đạo huyện Tư Nghĩa kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân. Ảnh: T.Nhị
 
Tại huyện miền núi Tây Trà, để kịp thời ứng phó với bão lũ, trong sáng nay, UBND huyện đã triển khai cuộc họp khẩn Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện để bàn công tác ứng phó với cơn bão số 7. Hiện nay, huyện Tây Trà còn 135 hộ dân nằm ở 15 điểm có nguy cơ sạt lở, với trên 650 nhân khẩu. Huyện cũng đã chỉ đạo chính quyền xã Trà Thọ tập trung đảm bảo an toàn cho 8 hộ dân chưa di dời ở khu vực lòng hồ Hồ chứa nước nước Trong bằng cách khẩn trương di dời tạm lánh nạn.
 
Ngoài ra, huyện Tây Trà cũng chỉ đạo đơn vị quản lí thủy điện Sông Riềng (Công ty cổ phần HP), phải tập kiểm tra máy nổ phát điện dự phòng cho đóng mở cửa van, máy nổ phát điện chiếu sáng, còi báo mực nước... đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư gần đập thủy điện.

Ông Đỗ Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, huyện đã chỉ đạo các thành viên BCH PCLB&TKCN huyện về tận cơ sở triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện di dời tạm cho các hộ dân trong vùng sạt lở ngay trong hôm nay.
 
UBND huyện Sơn Tây cũng đã chỉ đạo các phòng ban, lãnh đạo các xã rà soát lại toàn bộ số hộ dân nằm trong những vùng trọng điểm thường xảy ra lũ, sạt lở đất trên địa bàn huyện để khoanh vùng theo dõi. Đặc biệt là đối với những vùng có nguy cơ bị nứt núi, sạt lở núi, lũ quét huyện xây dựng phương án di dời dân đến các điểm trường, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, huyện như: Khu dân cư Tan Via (35 hộ); khu dân cư Tu B Rôi 10 hộ; khu dân cư Ka Xim (12 hộ); khu dân cư Đắk Dép (16 hộ); khu dân cư xóm ông Thế (11 hộ); khu dân cư xóm ông Cô (16 hộ); khu dân cư xóm ông Hay 8 hộ)...
 
Đối với những vùng có nguy cơ sạt lở khác huyện chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB ở các địa phương xây dựng phương án tổ chức cho bà con đến lánh nạn ở những vùng cao, trường học, nhà văn hóa thôn hay trạm y tế...

Về vật tư, phương tiện ứng cứu, huyện Sơn Tây đã chuẩn bị nhà bạt, phao cứu sinh, phao bơi, đèn pin, áo mưa, loa phóng thanh, xăng dầu, 5 xe tải, 2 xe cứu thương để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ xảy ra. Bên cạnh đó, huyện cũng dự trữ 6 tấn lương thực đảm bảo đủ dùng trong 15 ngày...
 
Tại huyện đảo Lý Sơn, đến trưa ngày 5/10, toàn huyện còn 40 phương tiện tàu cá, với trên 500 lao động còn ở trên biển. Trong đó, có 6 phương tiện với 87 lao động đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa, 24 phương tiện với trên 360 lao động tại ngư trường Trường Sa và một số vùng biển khác.
 
Ban chỉ huy PCLB – TKCN Lý Sơn phối hợp với đồn Biên phòng 328 và các xã tổ chức kiểm đếm số tàu thuyền, đồng thời thông qua các Đài canh I Com cộng đồng liên tục thông báo, kêu gọi, hướng dẫn số tàu cá còn ngoài biển nắm bắt tình hình cường độ và hướng di chuyển của bão số 7, nhanh chóng chạy về đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn.
 
 
Tàu cá của ngư dân vượt sóng lớn để vào bờ. Ảnh: V.Chương
Tàu cá của ngư dân vượt sóng lớn để vào bờ. Ảnh: V.Chương
Tại vũng neo trú  tàu thuyền An Hải đã có trên 300 phương tiện tàu cá vào neo đậu an toàn.  Bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCH PCLB Lý Sơn cho biết, từ hôm 4/5, hàng trăm hộ dân đang sinh sống các các khu vực ven bờ biển đã chủ động chằng chống nhà cửa, khơi thông hệ thống kênh mương thoát nước tại các khu dân cư.
 
Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các địa phương lập phương án và có kế hoạch di dời toàn bộ hơn 30 hộ dân tại các khu vực sạt lở do sóng biển, triều cường về địa điểm an toàn, đồng thời kiểm tra việc dự trữ lương thực tại kho dự trữ của huyện và trong dân. Với quyết tâm không để hộ dân nào thiếu đói trong thời gian trước, trong và sau bão số 7 đổ bộ vào địa phương.
 
Theo Ủy ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thì hiện các địa phương đã cơ bản kêu gọi tất cả các tàu tìm nơi trú ẩn an toàn. Điều đáng mừng là các tàu đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu tránh trú bão.  Anh Võ Tiến Cảnh-Chủ tàu QNg- 91718, cho biết, sau khi nghe thông tin đài báo bão và thông tin từ máy ICom của biên phòng, anh và các bạn tàu quyết định đưa tàu về đất liền để trú bão. "Tài sản và tính mạng của mình là quan trọng nhất, không đánh bắt chuyến này thì mình đánh bắt chuyến khác, chứ không dám liều ở thêm một ngày để đánh bắt"- Anh Cảnh nói.
 
 
Người dân trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đang chằng chống lại mái nhà. Ảnh: Ngọc Đức
Người dân trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đang chằng chống lại mái nhà. Ảnh: Ngọc Đức

Ông Ngô Duy Mười- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi cho biết, hiện nay phần lớn các tàu của Quảng Ngãi đã được hướng dẫn tìm nơi tránh trú bão an toàn. Công tác cứu hộ, cứu nạn cũng được lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Ngãi triển khai kỹ lưỡng. Ngoài việc yêu cầu tất cả các đồn biên phòng chủ động phối hợp với địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời vật dụng khi có lệnh di dời dân. Bộ chỉ huy biên phòng cũng đã thành lập đội cơ động gồm 150 chiến sĩ, để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra bão, lũ.
 
Như vậy, đến thời điểm này, tất cả các địa phương từ đồng bằng cho đến miền núi đã cơ bản chủ động các phương án đối phó với cơn bão số 7. Hy vọng, với những phương án đã chuẩn bị, tỉnh ta sẽ hạn chế được thấp nhất những hậu quả của cơn bão số 7 cũng như mưa bão gây ra.
 
 
 

M.Toàn - T.Nhị - N.Phương-

T.Thy -B.Sơn- X.Thiên
 


.