Thực hiện lộ trình chuyển đổi số

09:11, 11/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong hành trình phát triển. Do đó, huyện Mộ Đức đã và đang đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức, xây dựng hệ thống văn bản, ban hành các kế hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện lộ trình chuyển đổi số.
 
[links()]
 
Nâng cao chất lượng phục vụ
 
Thời gian qua, UBND xã Đức Phong (Mộ Đức) đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về dịch vụ công (DVC) trực tuyến một cửa tỉnh, Cổng DVC quốc gia và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cho toàn thể cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên trên địa bàn xã. Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử xã và trang Zalo OA UBND xã Đức Phong đạt hiệu quả. Trang Zalo OA UBND xã Đức Phong liên kết đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Cổng DVC quốc gia và thủ tục giải quyết dịch vụ công thuộc thẩm quyền của UBND xã Đức Phong giúp người dân tiếp cận thuận tiện.
 
Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa huyện Mộ Đức.
Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa huyện Mộ Đức.
“Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới, nhiều người dân ở nông thôn chưa sử dụng điện thoại thông minh nên việc tiếp cận của người dân, nhất là người cao tuổi với môi trường mạng còn khó khăn. Vì vậy, xã từng bước tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người đến giao dịch tại bộ phận một cửa.  UBND xã đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, tổ chức hướng dẫn cho công dân về DVC trực tuyến mức độ 3, 4 ở 5 thôn và một điểm tại UBND xã”, Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé cho hay.
 
Thời gian qua, huyện Mộ Đức quan tâm đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu hình thành nền tảng cơ bản phục vụ phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Huyện đã áp dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành dùng chung iOffice. Nhờ đó, trên 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử qua ứng dụng phần mềm quản lý văn bản; 100% văn bản (trừ các văn bản mật) của UBND huyện được trao đổi dưới dạng điện tử. Tiếp tục triển khai chứng thực điện tử và chữ ký số trong trao đổi văn bản ở các phòng, ban và các xã, thị trấn.
 
Đối với hệ thống thông tin một cửa điện tử, huyện Mộ Đức đã triển khai sử dụng Cổng DVC - Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung của tỉnh, hoàn thiện tích hợp với các hệ thống thông tin dùng chung, chia sẻ tích hợp với hệ thống thông tin của trung ương và kết nối liên thông đến các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện. Tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến phát sinh trên 20%, nhất là từ khi triển khai 25 DVC thiết yếu. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên tại các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện gương mẫu thực hiện và vận động người thân đăng ký, sử dụng DVC trực tuyến khi nộp hồ sơ, thủ tục liên quan đến thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của cấp huyện, cấp xã.
 
Huyện Mộ Đức đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Các thành viên của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phụ trách, theo dõi, thực hiện các chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện có một tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, 13/13 xã, thị trấn và 68/68 thôn, tổ dân phố có tổ công nghệ số cộng đồng. Những nỗ lực trong phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số của huyện Mộ Đức đã góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp.
 
Phát huy vai trò người đứng đầu
 
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số, UBND huyện Mộ Đức đã ban hành các kế hoạch, chiến lược phát triển chuyển đổi số, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, triển khai chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, xã hội số... Mục tiêu phát triển chính quyền số đến năm 2030, huyện Mộ Đức phấn đấu 100% DVC trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đối với phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng, mạng di động 5G, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
 
Chủ sản phẩm OCOP rượu trái cây Quang Hải thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến.
Chủ sản phẩm OCOP rượu trái cây Quang Hải thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến.
Trưởng phòng VH-TT huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết, đơn vị đã cùng Công an huyện và VNPT Mộ Đức phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin, khai thác dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ, công chức, tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu cho huyện ban hành kế hoạch tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước huyện Mộ Đức đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
 
Trong thời gian đến, UBND huyện Mộ Đức tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn và người dân. Vận dụng tối đa lực lượng giáo viên, học sinh, đoàn viên, thanh niên nhằm lan tỏa, tạo làn sóng mạnh mẽ về tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số. Tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận DVC trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời thường xuyên thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
 
“Mục tiêu của chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Nhân lực là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Huyện Mộ Đức chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng lãnh đạo số cho lãnh đạo các cấp trong cơ quan nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính trị- xã hội. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp, nêu gương, truyền cảm hứng, chủ động tham gia chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, địa bàn phụ trách”, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân nhấn mạnh.
 
Tạo sức bật cho sản phẩm OCOP
 
Huyện Mộ Đức là địa phương có nhiều sản phẩm đạt chuẩn cấp tỉnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Để góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, bên cạnh các hoạt động xúc tiến truyền thống, huyện Mộ Đức đã hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến. Anh Trương Quang Điền, chủ sản phẩm OCOP rượu trái cây Quang Hải, ở xã Đức Lân (Mộ Đức) cho hay, ngoài phân phối sản phẩm cho các cửa hàng OCOP, đại lý, cơ sở đã xây dựng website cập nhật thông tin, quy trình lên men, hình ảnh sản phẩm. Sau khi tham khảo qua website, nhiều khách hàng đã đặt mua qua kênh bán hàng này. Một số chủ thể sản phẩm OCOP khác cũng đẩy mạnh giới thiệu, kinh doanh thông qua phương thức bán hàng trực tuyến giúp thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng hơn.
 
 Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 

.