Nguy cơ tai nạn vì thiếu ý thức khi tham gia giao thông

11:08, 09/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong các nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), theo phân tích, đánh giá và thống kê của các cơ quan chức năng, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông.
 
[links()]
 
Điều khiển xe máy đi ngược chiều là một trong những hành vi xảy ra phổ biến trên các tuyến đường; nguy hiểm nhất là trên các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông đông đúc, đường có dải phân cách. Điển hình là tuyến đường Hoàng Hoa Thám, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), đoạn từ xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đến cầu Mới, vào lúc sáng sớm có rất nhiều xe máy di chuyển ngược chiều hàng chục mét để vào KCN Quảng Phú. “Do đường có dải phân cách, nên nhiều công nhân làm việc trong KCN thường xuyên đi ngược chiều để đến công ty nhanh hơn vài phút. Vì vậy, có rất nhiều vụ va chạm giữa người tham gia giao thông xảy ra tại đoạn đường này”, chị Trần Thị Hải, người dân sinh sống gần khu vực đường Hoàng Hoa Thám, cho biết.
 
Tình trạng người điều khiển xe máy di chuyển ngược chiều trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên xảy ra.
Tình trạng người điều khiển xe máy di chuyển ngược chiều trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên xảy ra.
Không chỉ riêng tuyến đường Hoàng Hoa Thám, nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 1 qua các KCN Tịnh Phong và VSIP Quảng Ngãi (Sơn Tịnh) cũng diễn ra tình trạng người tham gia giao thông đi ngược chiều. Việc thiếu quan sát, chạy tốc độ cao trên các đoạn đường này từng gây ra nhiều vụ TNGT chết người.
 
Mặt khác, việc điều khiển mô tô, xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh hay thay đổi kết cấu của xe để chở hàng hóa là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các tuyến đường nội thị vẫn còn tình trạng các phương tiện kéo, đẩy xe khác, chở hàng cồng kềnh. Ngoài ra, trường hợp thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông; hành vi vượt đèn đỏ; lạng lách, đánh võng... cũng là nhóm hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông.
 
Việc nâng cao mức phạt được xem là một trong những giải pháp quan trọng để răn đe, xử lý tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, giảm TNGT. Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ năm 2022, rất nhiều lỗi vi phạm đối của người điều khiển xe máy có mức phạt tăng nặng so với trước đây.
 
Theo đó, Khoản 10, Điều 2 Nghị định 123 quy định mức phạt tiền từ 300 - 400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)... gắn biển số không đúng quy định. Người điều khiển xe máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng; điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông bị phạt 2 - 3 triệu đồng... Đáng chú ý, theo Nghị định 123, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm... có thể bị phạt đến 600 nghìn đồng. Mức phạt này tăng hơn 2  -  3 lần so với quy định tại Nghị định 100.
 
Theo Nghị định 123, các mức phạt đối với xe ô tô cũng tăng cao. Cụ thể, người lái xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe đang chạy trên đường sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng; phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng với trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông hoặc hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển, kiểm soát giao thông. Ngoài ra, hành vi điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định có thể bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng; vi phạm nồng độ cồn có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng...
 
Bài, ảnh: V.YẾN
 
 

.