Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm

03:04, 23/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) cùng cấp tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm. Qua đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên (KSV).  
 
[links()]
 
Nâng cao trình độ chuyên môn 
 
Thực hiện Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC của Viện KSND tối cao, hằng năm, Viện KSND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức phiên tòadân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Viện KSND hai cấp đã tổ chức 67 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm.
 
Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là một trong những giải pháp tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên.              ẢNH: PV
Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là một trong những giải pháp tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên. ẢNH: PV
Việc tổ chức phiên tòa thực hiện bằng hình thức ghi hình, gửi video đến 13 Viện KSND huyện, thị xã, thành phố để cán bộ, KSV xem, góp ý và rút kinh nghiệm về việc kiểm sát phần thủ tục bắt đầu phiên tòa; phần hỏi, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị; phát biểu quan điểm của KSV... Những góp ý sẽ được tổng hợp bằng văn bản gửi đến KSV thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm để có ý kiến phản hồi. Trên cơ sở các nội dung góp ý của các đơn vị, ý kiến phản hồi của KSV thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện KSND tỉnh thông báo kết quả, đồng thời đưa ra những vấn đề chung cần thống nhất rút ra kinh nghiệm.
 
Đơn cử, Viện KSND huyện Mộ Đức đã phối hợp với TAND huyện tổ chức phiên tòa dân sự sơ thẩm “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” giữa nguyên đơn là bà N.T.N và bị đơn là ông N.Đ.L để rút kinh nghiệm. Sau khi gửi video nội dung phiên tòa đến 13 đơn vị, những góp ý về ưu điểm của KSV là phát biểu rõ ràng, mạch lạc; quan điểm về việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật, được hội đồng xét xử chấp nhận. Bên cạnh đó, có một số điểm KSV cần lưu ý, đó là còn phụ thuộc nhiều vào bài phát biểu đã dự thảo; đọc nhanh, không nhấn mạnh giọng điệu vào những nội dung quan trọng của vụ án... Kiểm sát viên tại phiên tòa thống nhất một số góp ý, đồng thời thẳng thắn đối đáp, bảo vệ quan điểm của mình...
 
Từng bước cải cách tư pháp
 
Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9), Viện KSND tỉnh Võ Thị Hồng Luyến cho biết, việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm trong lĩnh vực án dân sự, hôn nhân và gia đình là một chỉ tiêu bắt buộc, mỗi KSV phải thực hiện 1 phiên toà/năm. Ngay từ đầu năm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ xây dựng kế hoạch và quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm túc, thể hiện trong việc lựa chọn phiên tòa, chất lượng của nội dung góp ý; yêu cầu công chức, KSV phải tham gia góp ý, giúp đồng nghiệp sửa chữa thiếu sót và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Với Phòng 9, hằng năm, yêu cầu mỗi KSV phải thực hiện ít nhất 2 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm. 
 
Thông qua mỗi phiên tòa, KSV xem xét lại kỹ năng phát biểu, xét hỏi, tranh luận, xử lý tình huống... trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa để tự rút kinh nghiệm. Đồng thời, qua những ý kiến góp ý của cán bộ, KSV theo dõi phiên tòa, KSV có thêm kinh nghiệm kiểm sát các vụ án tiếp theo hiệu quả hơn.
 
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Thị Kim Liên nhận định, việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm, vai trò, vị thế của KSV; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Do đó, phiên tòa rút kinh nghiệm được xem là hình thức tự đào tạo hiệu quả. Công chức, KSV kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình đã học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ...
 
TRUNG ÂN
 
 

.