Ngăn chặn khai thác, mua bán cây rừng làm cây cảnh

02:07, 17/07/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Nắm bắt thị hiếu người chơi cây cảnh thích sưu tầm các loại cây rừng có dáng, thế và hoa đẹp về trồng trong vườn nhà, không ít người dân đã lên rừng khai thác về bán cho người có nhu cầu. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây tác hại đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên rừng.
Những năm gần đây, phong trào chơi cây cảnh khai thác từ cây rừng khá phổ biến trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Nắm bắt thị hiếu này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi xảy ra tình trạng người dân vào rừng lùng sục đào bới các loài cây có nguồn gốc tự nhiên như: Lộc vừng, thiên tuế, bông trang, sim, ngũ sắc... về bán. 
 
“Tùy theo thế, dáng và kích thước của cây mà mỗi cây có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí nhiều cây có giá đến hàng chục triệu đồng. Cây càng to, kiểu dáng đẹp, thế độc, lạ thì giá càng cao. Bởi vậy, không ít người săn lùng, đào bới cây rừng làm cây cảnh để bán’, anh H. ở huyện Ba Tơ, một người chuyên thu mua cây cảnh cho biết. 
 
Thực tế hiện nay, đi đến các điểm bán cây cảnh trên địa bàn tỉnh và đi dọc một số tuyến đường ở TP. Quảng Ngãi không khó để bắt gặp hình ảnh các cây cảnh như bông trang, sim, ngũ sắc... có xuất xứ từ rừng được bày bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/cây. 
 
Thậm chí, nhiều người đào cây rừng, nhất là cây sim rừng về trồng ngay trong khuôn viên nhà mình, rồi rao bán công khai trên mạng xã hội.  
 
Chỉ cần gõ một vài từ khóa liên quan đến gốc sim rừng trên mạng xã hội facebook là có thể có hàng chục địa chỉ, tài khoản cá nhân và những hội, nhóm buôn bán, giao lưu mua bán gốc sim rừng.
 
Những gốc sim rừng được rao bán công khai trên mạng xã hội
Những gốc sim rừng được rao bán công khai trên mạng xã hội
 
Bên cạnh việc khai thác cây rừng về bán để làm cây cảnh thì trên địa bàn các huyện miền núi tình trạng chặt hạ cây rừng trái pháp luật để thu hái các loài lâm sản ngoài gỗ như quả xoay, quả ươi, phong lan, nấm... cũng diễn ra phức tạp, gây xói mòn, sạt lở đất, phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, giảm tính đa dạng sinh học trong tự nhiên
 
Để chấn chỉnh, ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép cây rừng làm cảnh, dẫn đến tình trạng rừng tự nhiên bị khai thác, tàn phá, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường rừng, đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp và các lĩnh vực khác có liên quan theo đúng quy định.
 
Đối với các địa bàn đang xảy ra tình trạng đào bới, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ cây có nguồn gốc tự nhiên, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản, xác lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.  
 
Chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND cấp xã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ các loài cây có nguồn gốc tự nhiên đảm bảo theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân được giao đất gắn với giao rừng thường xuyên tuần tra, bảo vệ không để xảy ra tình trạng xâm hại tài sản trên đất rừng được giao.    
 
Không ít người dân thích sưu tầm các loại cây có nguồn gốc tự nhiên để làm cảnh
Không ít người dân thích sưu tầm các loại cây có nguồn gốc tự nhiên để làm cảnh
 
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PT NT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức lực lượng phối hợp với chủ rừng và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, truy quét tại khu vực có xảy ra tình trạng  đào bới, mua bán, tàng trữ các loài cây không có nguồn hợp pháp để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, các Công ty lâm nghiệp được giao quản lý rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra trên lâm phần; hướng dẫn, đôn đốc lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hộ nhận khoán kiểm soát chặt chẽ diện tích rừng được giao để kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
PV

.