Không chỉ cá nhân, tổ chức gửi tin nhắn, thư, quảng cáo... rác bị xử lý, mà đơn vị cung cấp đầu số không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác cũng sẽ bị xử phạt tới 200 triệu đồng.
Từ hôm nay, 15.4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực.
Nhiều chủ thuê bao khổ sở vì tin nhắn rác gửi liên tục trong ngày. Ảnh: Long Nguyễn. |
Cũng từ hôm nay, sẽ bãi bỏ Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Xử lý mọi hành vi nhắn tin, gửi thư rác
Tại Điều 94 của Nghị định nêu rõ mức xử phạt về hành vi vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, cây xanh, nơi công cộng.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; Gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định; Không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo;
Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, tin nhắn qua mạng Internet khi chưa được cấp mã số quản lý hoặc có mã số quản lý không đúng mã số quản lý được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không cung cấp miễn phí cho người sử dụng cơ chế tiếp nhận và xử lý các thông báo về thư rác; Không có biện pháp để tránh mất mát và ngăn chặn sai thư điện tử của người sử dụng dịch vụ;
Không phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước và quốc tế, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn trong và ngoài nước để hạn chế, ngăn chặn thư rác; Không gửi ngay hoặc gửi thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối thư điện tử, tin nhắn không bảo đảm các yêu cầu theo quy định;
Không có biện pháp giới hạn số lượng, tốc độ và tần suất nhắn tin; Không giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi hoặc không ngăn chặn các tin nhắn có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin theo quy định;
Gửi thư điện tử quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nhưng không gửi bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông; Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình khi gửi thư điện tử, tin nhắn;
Không chấm dứt việc gửi đến người nhận thư điện tử quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận; Không phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động trong và ngoài nước ngăn chặn tin nhắn rác;
Không thực hiện biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không ngăn chặn tin nhắn rác giả mạo nguồn gửi trước khi gửi tới người sử dụng dịch vụ;
Không ngừng cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn khi khách hàng yêu cầu; Thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Không tuân thủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác; Không thực hiện yêu cầu xử lý các thông báo, phản ánh tin nhắn rác của Bộ Thông tin và Truyền thông; Không thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thư điện tử rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Không cung cấp thông tin và ngăn chặn các nguồn phát tán thư điện tử rác hoặc phần mềm độc hại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác trên mạng viễn thông di động của nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Không có đầy đủ các hình thức từ chối nhận thư điện tử quảng cáo hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; Gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại;
Tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo;
Khai thác, sử dụng các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích; Số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao được mở chiều gọi đi hoặc để gửi tin nhắn hoặc nhận tin nhắn.
Đơn vị cung cấp thuê bao cũng bị xử phạt
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận.
2. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác.
Ngoài hình thức phạt tiền, Nghị định cũng quy định:
Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1-3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, e và h khoản 4, các khoản 6 và 7 Điều này;
Tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 3, các điểm d, g, h, i và o khoản 4, các điểm a và b khoản 6 Điều này.
Buộc hoàn trả hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 6 Điều này;
Buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm h khoản 4, các điểm b và c khoản 5 và khoản 6 Điều này.
Theo Việt Dũng/LĐO