(Baoquangngai.vn)- Ngày 11/3 vừa qua Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới(WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Điều này có nghĩa Covid-19 đang là hiểm họa mà cả nhân loại phải đối mặt.
Trước đó, vào đầu tháng 2/2020, nhận thấy dịch Covid-19 tràn qua các châu lục và có xu hướng lan nhanh trên mạng xã hội, chính tổ chức này đã cảnh báo về hiện tượng “dịch thông tin” (Infodemic) và cho rằng đây là trở ngại lớn nhất trong việc chống dịch.
Dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ nhanh, khó lường trước chính là mảnh đất màu mỡ cho các loại thông tin ô hợp. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng sự nóng ruột, tâm lý bất an, đòi hỏi có thông tin ngay là khoảng trống để các loại tin vịt, tin giả chen vào, kể cả những chiêu trò lừa đảo để kiếm lợi.
Có rất nhiều loại tin giả xuất hiện trên truyền thông xã hội, nhất là trên các mạng xã hội có đông người dùng như facebook, youtube, Instagram, Twitter, WhatApp. Loại thứ nhất là thông tin bịa đặt về nguồn gốc đồn đoán vi rút corona là thứ vũ khí sinh học thử nghiệm bị rò rĩ trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Có tin lại bịa đặt Corona là là thứ “vũ khí tiêu diệt” của kẻ quyền lực và giàu có nhất thế giới tung ra để làm suy yếu Trung Quốc. Loại tin giả thứ hai là thông tin về tiến triển của dịch. Tin giả loại này chủ yếu nói Trung Quốc và một số quốc gia giấu dịch, xem chính quyền các nước này là những người dối trá.
Thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang cho người dân. Ảnh: LĐTĐ |
Thậm chí đã có clip lan truyền với hình ảnh giả có lời bình của một nữ nhân viên y tế nói rằng tình hình dịch bệnh nặng hơn rất nhiều con số nhà nước Trung Quốc công bố. Cùng với kiểu ngụy tạo chứng cứ bằng hình ảnh, clip còn có vô số lời đồn thổi không cần chứng cứ đại loại có trường hợp người mới mắc bệnh ở bệnh viện này, địa phương kia, ông A, bà B mắc bệnh nhưng không chịu khai báo, cách ly…
Loại tin giả thứ ba là bày vẽ, tung ra đủ các chiêu trò về cách thức chống dịch. Trong khi giới khoa học nhiều nước trên thế giới đang ngày đêm vắt óc để sớm tim ra thuốc chữa virut Corona thì có người lại bày uống nước tiểu, dùng củ tỏi, củ gừng, thậm chí là uống thuốc tẩy, uống rượu cao độ để đẩy con virut corona ra ngoài. Đã có trường hợp một công ty dược ở một thành phố lớn bị xử phạt nặng vì đưa lên trang thông tin điện tử quảng cáo sản phầm dinh dưỡng phòng chống dịch bệnh corona.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông thì từ sau Tết đến nay các cơ quan chức năng trong cả nước phát hiện gần 400 tin giả, chủ yếu là thông tin, hình ảnh bịa đặt, đồn thổi, không chính xác trên mạng xã hội về dịch bệnh Covid-19 và đã có hơn một nửa trong số đó đã bị xử phạt bằng nhiều hình thức.
Ở tỉnh ta cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số trường hợp, chủ yếu là thông tin bịa đặt. Cần lên án, dẹp bỏ tin giả bởi tác hại của nó rất ghê gớm, gây tâm lý hoang mang, sợ hãi trong cộng đồng, xã hội.
Cả nước đang gồng mình chống dịch, vì thế mỗi người dân không thể đứng ngoài cuộc. Khi tiếp nhận thông tin có liên quan về Covid-19 điều quan trọng nhất là mọi người cần bình tĩnh để lọc thông tin bằng các câu hỏi: Thông tin từ đâu? Đăng khi nào? Nếu có nguồn gốc thì là nguồn nào? Ai được trích dẫn trong mẩu tin, clip và người đó có thẩm quyền gì? Mức độ liên quan ra sao? Có gì không hợp lý giữa các chi tiết không?
Tự đặt ra và trả lời những câu hỏi này, mỗi người sẽ giải tỏa được mối hoài nghi, nếu không dễ trở thành nô lệ không chỉ của những thành kiến, niềm tin không có cơ sở mà còn rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi, thụ động.
Nghị định 15 của Chỉnh phủ vừa mới ban hành thay thế Nghị định 174/ CP ban hành năm 2013về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định xử phạt rất nặng các hành vi lợi dung mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ, lan truyền thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt gây hoang mang trong xã hội.
Mức phạt tiền đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư và bí mật khác do nhà nước quy dịnh có thể bị phạt đến 30 triệu đồng. Cùng với phạt tiền là các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội phát triển quá nhanh là điều kiện thuận lợi để mọi người tiếp nhận, chia sẻ thông tin. Tìm kiếm thông tin về dịch covid-19 trên mạng có chọn lọc và không chia sẻ thông tin có nguồn gốc không rõ ràng, đáng tin cậy cũng là cách mỗi người góp một phần vào chống “dịch thông tin” ăn theo dịch Covid-19./.
Thanh Tánh