(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trên địa bàn tỉnh tuy đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo đánh giá của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, trong năm 2019, công tác TTPBGDPL đã được các cấp ủy đảng, cơ quan, chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tích cực triển khai. Việc TTPBGDPL đã bám sát nội dung, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đề ra... Tuy nhiên, công tác này ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cấp xã còn thụ động, lúng túng. Việc bố trí kinh phí cho công tác này còn khiêm tốn...
Báo cáo viên Sở Tư pháp tập huấn pháp luật cho cán bộ, người dân xã Bình Chánh (Bình Sơn). |
Một số cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh có biến động về thành viên, báo cáo viên nhưng không kịp thời báo cáo để thực hiện thủ tục miễn nhiệm và thay thế. Hơn nữa, dù có sự phân công cụ thể, nhưng một số thành viên Hội đồng thực hiện nhiệm vụ chưa đồng đều; một số khác thì chưa thật sự làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Một số cơ quan, địa phương chưa thường xuyên phối hợp và trao đổi thông tin, chế độ báo cáo còn chậm trễ...
Bên cạnh đó là tình trạng, một số báo cáo viên pháp luật theo chuyên ngành, lĩnh vực phụ trách có những hạn chế về kỹ năng truyên truyền. Nhiều người chưa đầu tư thời gian thích đáng cho việc nghiên cứu tài liệu, liên hệ thực tiễn. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh. Có địa phương coi đây là việc riêng của ngành tư pháp. Đội ngũ cán bộ cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở còn yếu về nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm chưa cao, lại thường xuyên thay đổi nên hoạt động chưa hiệu quả.
Ông Bùi Hữu Hà, xã Bình Chánh (Bình Sơn) chia sẻ: Hiện nay, không phải người dân nào cũng hiểu rõ, hiểu đúng các từ ngữ, khái niệm về pháp luật nên dễ vi phạm. Từ thực tế đó, người làm công tác TTPBGDPL cần chú ý đúng mức đến khâu giải thích các từ ngữ pháp luật để người dân hiểu và thực hiện; hoặc thông qua hình thức sân khấu hóa giúp người xem suy nghĩ và vận dụng hợp lý vào các tình huống cụ thể mà bản thân mình thường gặp phải. Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, xã cần nâng cao trình độ để việc truyền đạt các văn bản pháp luật tốt hơn, giúp người dân dễ tiếp cận những điểm mới của văn bản pháp luật...
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Trung Tập, bên cạnh những tồn tại, hạn chế nói trên, còn có nguyên nhân là trang thiết bị phục vụ cho công tác TTPBGDPL còn thiếu. Trong đó, việc thiếu máy chiếu, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện đi lại đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng trong truyền đạt thông tin. “Việc mua sắm máy móc, thiết bị tập trung thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền”, ông Nguyễn Trung Tập cho biết.
Bài, ảnh: BÁ SƠN