(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, nên chất lượng công tác hòa giải trên địa bàn huyện Bình Sơn được nâng lên, góp phần ổn định an ninh trật tự, gắn kết cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hòa giải thành công nhiều vụ việc
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Bình Sơn Phan Đình Chí cho biết: Đợt giám sát mới đây của HĐND huyện cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở tại nhiều xã của huyện có chuyển biến tích cực. Chất lượng hòa giải được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành đạt 70% trở lên. Tiêu biểu là xã Bình Hòa, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở theo từng năm (từ 2015 - 2019); củng cố và kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.
HĐND xã Bình Hòa đã thực hiện một cuộc giám sát về công tác hòa giải ở cơ sở. UBND xã đã tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở. Nhờ đó, công tác hòa giải ở địa phương đi vào nền nếp và đạt chất lượng. Năm 2018, xã Bình Hòa đã thụ lý và hòa giải thành 10/11 vụ, việc (đạt 91%).
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, vai trò quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở, công tác phối hợp giữa UBND xã và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở đã được chú trọng hơn trước.
Qua hòa giải ở cơ sở đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ được tình làng nghĩa xóm.
"Thường trực HĐND huyện đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã trong thời gian đến cần nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Trong phân bổ dự toán ngân sách hằng năm cần quan tâm phân bổ kinh phí rõ ràng cho công tác hòa giải ở cơ sở". Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Bình Sơn PHAN ĐÌNH CHÍ |
Cần khắc phục những hạn chế, bất cập
Theo ông Phan Đình Chí, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Đó là, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại một số xã chưa hiệu quả, chưa tạo chuyển biến rõ nét trong cộng đồng dân cư cũng như việc áp dụng vào thực tiễn hoà giải ở từng địa phương, từng tổ hoà giải. UBND các xã chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên chức năng quản lý nhà nước về hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Vì vậy, việc củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải không kịp thời; chưa bố trí kinh phí và chi hỗ trợ cho hoạt động của các tổ hoà giải theo quy định của UBND tỉnh. Các tài liệu pháp luật, nghiệp vụ về hòa giải chưa được cung cấp đầy đủ, kịp thời; sổ sách theo dõi công tác hòa giải chưa được UBND xã hướng dẫn ghi chép đầy đủ; chưa quan tâm chỉ đạo công chức chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho các hòa giải viên...
Ngoài ra, việc phân định trách nhiệm và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với UBND ở một số xã chưa cụ thể, dẫn đến sự phối hợp trong công tác hòa giải chưa chặt chẽ, thường xuyên. Các tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động chưa đồng đều; một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải, còn ngại va chạm, thiếu nhiệt tình trong hoạt động hòa giải.