(Báo Quảng Ngãi)- "Tín dụng đen" đã về tận các vùng nông thôn, miền núi, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội. Để hạn chế tín dụng đen, các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân, nới rộng hạn mức cho vay... giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thủ tục đơn giản, mức vay linh động
Giám đốc LienVietPostBank Dung Quất Lê Thanh Nghị cho biết: “Hiện mức cho vay của LienVietPostBank rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn của người dân, với mức vay tối thiểu 10 triệu đồng. Việc giải quyết thủ tục cũng chỉ trong ngày, hoặc lâu hơn là hai ngày sẽ được giải ngân”.
Khách hàng đến vay vốn và sử dụng các dịch vụ tại BIDV Quảng Ngãi. |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, từ tháng 3.2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ và không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thời hạn cho vay kéo dài từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo...
Còn Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công, thì cho biết: "Thời gian tới, Agribank Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 116 (sửa đổi bổ sung Nghị định 55) để đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực này có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng. Đồng thời, triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng trong toàn hệ thống, với sản phẩm vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày".
Mặt khác, để tạo điều kiện cho khách hàng, hiện không chỉ có Ngân hàng Chính sách Xã hội mà còn có nhiều ngân hàng thương mại cũng giải quyết thủ tục hồ sơ cho vay thông qua tổ vay vốn như Agribank, Đông Á, LienVietPostBank... Bằng hình thức này, khách hàng sẽ được hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục một cách nhanh chóng và cụ thể nhất, cũng như đôn đốc, thu hồi nợ vay, tránh nợ quá hạn, nhất là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc còn hạn chế.
Cần đồng bộ, quyết liệt
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng "tín dụng đen" vẫn còn tồn tại. Vì thế, để hạn chế "tín dụng đen" cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
Cùng với đó, các ngân hàng nên dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Đặc biệt là chính sách lãi suất và chế tài xử phạt, nhằm tổ chức lại hoạt động của loại hình này theo hướng minh bạch, với mức lãi suất phù hợp với mức sống của đại bộ phận người dân, không để các tổ chức này có các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen, cho vay nặng lãi...
Bài, ảnh: HỒNG HOA