(Báo Quảng Ngãi)- Sáng cuối tuần, cô con gái bé nhỏ chuẩn bị vào lớp một níu vai tôi khẽ hỏi: “Ba ơi, chừng nào ba mẹ mới chở con đi mua áo quần, sách vở vậy ba?”. Một thoáng ngẩn người, tôi nhận ra chỉ còn ít bữa nữa con vào năm học mới mà tôi vẫn chưa chuẩn bị được gì.
Mấy tuần trước, con gái tôi cũng hỏi câu y hệt như vậy. Tôi cứ ỷ lại rằng quần áo mới của con thì đã có mẹ lo, đồ dùng học tập thì lên mạng đặt mua cho tiện. Rồi tôi lại dành ngày cuối tuần cho những cuộc gặp gỡ bạn bè. Trong khi ánh mắt đượm buồn phải quay đi để che giấu vì bị từ chối của con gái, tôi chẳng bao giờ để ý.
Tôi vào nhà hỏi vợ thì mới biết con gái không chịu đi sắm đồ. Con bé chỉ đi khi có ba và mẹ đi cùng. Tôi lập tức hiểu ra rằng không thể để nỗi buồn thoáng qua trong mắt con sáng nay sẽ trở thành nỗi thất vọng hằn sâu vào lòng con trẻ. Gọi điện cho bạn để khất lại chầu cà phê, tôi bảo vợ chuẩn bị để cả nhà cùng đi sắm đồ cho con vào năm học mới.
Con trẻ cần tình yêu thương, chăm lo của bố mẹ để phát triển toàn diện. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG |
Khỏi phải nói cũng có thể hiểu được niềm háo hức, vui mừng của con gái tôi khi được cả ba và mẹ đưa đi sắm quần áo và đồ dùng học tập. Từng chiếc áo, chiếc nơ, từng cuốn vở, chiếc bút, hộp màu, con đều ríu rít hỏi tôi rằng: “Ba ơi, cái này có đẹp không, cái kia có tốt hơn không?”. Chọn được cái nào như ý thích, con bé đều khoe với mẹ, lại còn bảo rằng nhờ ba “tư vấn” cho. Trong nụ cười giòn giã, trong ánh mắt như biết reo vui của con, tôi hiểu rằng với con cái, cha mẹ bao giờ cũng quan trọng nhất dù trong những việc tưởng rất giản đơn như đi mua sách vở, quần áo cho năm học mới.
Tôi lại nhớ về mẹ tôi. Cả một đời mẹ tôi tráng bánh nuôi con. Ngày ấy, nghề làm bánh tráng đã cực nhọc, lại nhiều công ít lời. Mẹ tôi chẳng bao giờ có đủ tiền trong người để mua một lần đầy đủ quần áo, sách vở cho tôi vào năm học mới. Nhưng trong cái khó, bà lại có cách của riêng mình. Mỗi chiều gánh bánh đi bán dạo trở về, mẹ lại mua một món đồ nào đó. Có hôm là mấy quyển vở, hộp bút màu, hôm thì chiếc mũ vải, đôi dép quai hậu. Cứ chắt chiu từng thứ gần tháng trời như vậy rồi thì cũng đủ, không năm học mới nào tôi bị thiếu quần áo mới hay sách vở để đến trường.
Có lẽ vì thế mà trong suốt thời gian đi học của mình, mỗi khi ham chơi hay những lần muốn bỏ học, tôi lại nhớ về gánh bánh của mẹ và tự dặn lòng không được phụ mẹ đã chắt chiu những đồng tiền bán bánh ít ỏi để cho mình đến lớp không thua thiệt với bạn bè...
Bây giờ, không còn vất vả như mẹ nuôi tôi thuở ấy. Chuyện mua sắm cho con bước vào năm học mới cũng nhẹ nhàng và tiện lợi hơn nhiều. Có phải vì qua cái khổ rồi người ta dễ sinh lòng tự mãn? Hay mình đã quên mất những yêu thương, kỳ vọng của mẹ để bây giờ nảy lòng ích kỷ, chỉ biết nghĩ riêng cho bản thân mình...
Con cái chúng ta rồi sẽ lớn dần lên, mỗi ngày qua đi sẽ tự làm được nhiều thứ hơn. Rồi một ngày, con sẽ không cần ba mẹ chở đi mua quần áo, sách vở cho năm học mới nữa. Chúng ta ai cũng muốn con học được tinh thần tự lập từ sớm. Có những việc con vẫn thích có cha mẹ làm cho hoặc làm cùng. Bởi đó là những lúc con muốn được cha mẹ yêu thương, che chở, tin tưởng, động viên. Chính những điều ấy mới là vốn quý đi theo con suốt cả cuộc đời chứ không phải là quần áo, sách vở ta sắm khi con còn thơ bé.
Thử tưởng tượng nếu sáng nay tôi từ chối cô con gái bé nhỏ của mình để đi lê la quán sá với đám bạn, có lẽ con đành phải theo mẹ ra chợ thôi vì chẳng còn mấy ngày nữa đã khai trường. Nhưng cũng từ đây, niềm thất vọng về ba mình trong con chắc chắn sẽ nhiều lên. Khi đến trường, nghe bạn bè kể được ba mẹ đưa đi sắm đồ, hẳn lòng con sẽ thấy tủi thân và nghĩ rằng ba mẹ không thương mình... Nghĩ đến đây tôi chợt thấy hối hận. Suýt chút nữa tôi đã từ chối niềm hạnh phúc cùng cả nhà đưa con vào năm học mới...
KHÁNH NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: