Vạn bè thuở trước

09:18, 15/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xưa, trên sông Kinh (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) có một xóm bè rớ, với nhiều người dân sinh sống nên gọi là Vạn Bè. Mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên sông.

Vạn Bè trên sông Kinh thời Pháp thuộc có từ 30 - 40 bè rớ. Mỗi gia đình sống trên một chiếc bè rớ. Trưởng xóm bè là một “ông trùm” được người dân bầu lên. Khởi thủy chừng 400 năm trước có ông họ Phạm từ tỉnh Nam Định vào đây sinh sống, đem theo nghề bè rớ. Có thể đây là nguồn gốc của Vạn Bè trên sông Kinh.

Bè rớ được phục dựng năm 2023 để phục vụ du lịch 
cộng đồng trên sông Kinh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Bè rớ được phục dựng năm 2023 để phục vụ du lịch cộng đồng trên sông Kinh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).

Bè rớ có bè và rớ kết hợp với nhau. Rớ bè khác rớ giàn ở cửa sông Trà Khúc ở chỗ, rớ giàn to nhưng cố định, người đánh cá rớ giàn sống trên bờ. Rớ bè nhỏ hơn, nhưng có bè để người ta sống luôn trên mặt sông, có thể di chuyển được. Bè làm bằng các khúc tre đằng ngà già và to, được mua từ các làng quê, kết thành bốn lớp ngang dọc để đủ độ cứng, độ nổi trên mặt sông. Bè có kết cấu hình chữ nhật, bề ngang rộng khoảng 3m, bề dài khoảng 10m, đủ chỗ để sinh hoạt và đánh bắt cá. Tại một đầu của bè, người ta dựng tấm vỉ đan hình vòm che mưa nắng gọi là “lều” dành cho ăn ngủ, nấu nướng, bên trong có thể có cả giường, phản. Phía trước bè có chừa trống như khoảng sân. Và ở đầu kia người ta dựng giàn rớ để đánh cá. Tại mặt bè người ta gắn một cây tre ngang làm trục, gắn hai bộ cần tre chụm đầu lại thành đôi một gọi là “cây đồ”, “cây già”, thành hình chữ V, trong đó một đầu kết với nút vó, đầu kia nằm gần “lều”. Nối hai đỉnh của “cây đồ” và “cây già” là một khúc tre khác gọi là “cây dò”, tạo nên một hình như tam giác lật ngửa. Từ lều có dây nối với đỉnh rớ gọi là “dây khu”, để kéo rớ, một dây khác nối với mặt rớ để kéo bắt cá gọi là “dây rún”. Ngay ở chóp đỉnh rớ có gắn một trục quay gọi là cái “đụp lư” để rút “dây rún”. Dưới cái “đụp lư” là ngọn đèn thắp sáng về đêm để dụ cá. Để cất rớ được thuận tiện, người ta còn buộc hai cục đá lớn ở đầu “cây già”. Khi muốn cất rớ, cần có hai người. Một người giữ kéo “dây khu”, người kia leo lên “cây già” để tạo trọng lực, với độ nặng của đá và độ trì kéo của người giữ dây khu, vớ từ từ cất lên khỏi mặt nước. Người giữ “dây khu” vẫn giữ chắc, người leo lên “cây già” quay xuống chỗ mặt rớ, kéo “dây rún” cho cá gom lại, dùng cái gáo dừa có cán dài để vợt bắt cá. Người bè rớ thường có câu đùa về quy trình này: “Tre chìm đá nổi/ Lửa thổi đầu non/ Thương vợ thương con/ Chạy lên chạy xuống”.

Phác họa mô hình chiếc bè rớ thuở xưa.
Phác họa mô hình chiếc bè rớ thuở xưa.

Người dân bè rớ có lối sống phần nào khác với đa số người làm nghề nông, nên thuở xưa có những câu chọc ghẹo: “Bè rớ ăn gạo chợ uống nước sông...”. Người bè rớ bèn đáp lại: “Em về bè rớ thì mê/ Gạo chợ đem về cá mắm khỏi mua”. Khi làm thêm bè mới cho gia đình mới, người ta giúp nhau kết bè. Vạn Bè ở gần với chợ Cây Quăn nên việc lên bờ mua bán cũng thuận tiện. Mỗi bè rớ có một chiếc xuồng nhỏ để đi lại. Khi có phụ nữ sinh đẻ, người ta dùng xuồng đi rước bà mụ về đỡ đẻ ngay trên bè. Khi có việc cưới thì năm, bảy chiếc bè kết lại với nhau để tạo khoảng rộng rãi cho đám cưới, dùng tre kết lại thành buồng riêng cho cô dâu - chú rể. Cô dâu sống ở bè thì dùng bè rước dâu về, cô dâu sống trên bờ thì dùng xuồng tới bến rồi đi bộ đến rước dâu. Khi có tang, người ta mua quan tài về liệm ngay trên bè, rồi đưa lên bờ mai táng đúng địa bộ của xóm Bè. Trong quan hệ với người sống trên bờ, người ta cũng đi lại thăm viếng nhau. Về đêm, người dân ở bè rớ thường tụ tập để hò hát, uống rượu giải khuây, cũng có người lên bờ đi tham gia hát hố trong các xóm làng. Còn việc thờ cúng ông bà tổ tiên thực hiện ngay trên bè.

Bè dùng được vài ba năm thì hư, người ta phải tu sửa hay đóng bè mới. Trong mùa mưa lũ phải di chuyển bè đến nơi an toàn. Sống ở bè rớ mát mẻ nhưng cũng có nhiều bất tiện. Bởi thế, sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhiều người dân ở bè rớ đã chuyển lên sống trên bờ, chủ yếu ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê. Một số người vẫn tiếp tục sống ở bè rớ qua hai cuộc chiến tranh, mãi đến năm 1985 mới chuyển lên ở hẳn trên bờ.

Bài, ảnh: CAO CHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:18, 15/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.