(Baoquangngai.vn)- Sau 49 năm kể từ ngày Quảng Ngãi được giải phóng (24/3/1975), nhiều làng quê là vùng căn cứ cách mạng từng bị bom đạn cày xới đã được hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ bằng khát vọng, ý chí của bao thế hệ người dân nơi đây.
Trong những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về xã Đức Phong, một vùng đất quật cường trong đấu tranh cách mạng ở huyện Mộ Đức.
Giữa những ngày bom đạn liên tục dội xuống, người dân Đức Phong luôn nêu cao tinh thần cách mạng, góp sức cùng các địa phương làm nên những chiến công oanh liệt trong công cuộc giải phóng tỉnh nhà. Xã Đức Phong cũng là xã đầu tiên của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ.
Đường về xã Đức Phong hôm nay. |
Đức Phong có 6 Di tích lịch sử cấp tỉnh Xã có 6 Di tích lịch sử được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Cuộc biểu tình Trà Niên, Hầm Xác máu, Vụ thảm sát bãi biển Tân An, Địa đạo Phú Lộc, Vụ thảm sát Đồng Nà và Địa đạo Lâm Sơn. |
Chiến tranh đã lùi xa, miền quê hứng chịu đạn bom ngày nào, giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới, làng xóm đầy sức sống. Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé cho biết, trong kháng chiến, người dân xã Đức Phong anh hùng, kiên trung, “sát cánh” cùng cách mạng đánh đuổi quân xâm lược. Trong thời bình, phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, lao động, sáng tạo, người dân xã Đức Phong chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Về Đức Phong hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ. Trên những mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa giờ đã được thay thế bởi màu xanh của những ruộng hoa màu, vườn cây trái xanh tươi, … Và len lỏi đến tận thôn xóm đã có những con đường bê tông phẳng lỳ. Hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp đồng bộ, điện được kéo về tất cả thôn xóm. Những căn nhà ngói đỏ, biệt thự sang trọng tạo nên một bức tranh tươi tắn của bộ mặt nông thôn mới.
Xóm Tân An (xóm Mù U), xã Đức Phong vùng đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh nay đã vươn mình phát triển. |
Cùng với việc vận dụng các nguồn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đi lại của người dân, xã Đức Phong cũng đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Đức Phong đã về đích xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2020 và đang tập trung mọi nguồn lực và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, quyết tâm nâng chất các tiêu chí NTM, hướng đến xã NTM nâng cao.
Bãi cát trắng dọc bờ biển xã Đức Phong nay là những hồ nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. |
“Sau chiến tranh, đời sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự trợ lực của các cấp, ngành, sự nỗ lực vươn lên của người dân, Đức Phong hôm nay đã thay da đổi thịt. Cuộc sống của bà con nhân dân, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Không những cuộc sống người dân ổn định, đầy đủ, nhà cửa kiên cố, khang trang mà đời sống tinh thần cũng được nâng lên”, ông Võ Xuân Quang (76 tuổi) ở xã Đức Phong chia sẻ.
Người dân xã Đức Phong đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới, mang lại nguồn thu nhập ổn định. |
Rời xã Đức Phong, chúng tôi đến xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Phổ Cường được mệnh danh là “đất lửa”. Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, người dân Phổ Cường đã góp công, góp của, xương máu cùng nhân dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Tháng 12/1972, Phổ Cường vinh dự được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Di tích Địa điểm Chiến thắng Quay Mỏ thuộc thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ và nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ. |
Lần giở những ký ức của vùng “đất lửa” qua cuốn “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phổ Cường giai đoạn 1930 - 2010” do Ban Chấp hành Đảng bộ xã biên soạn. Một quá khứ hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được tái hiện lại qua các tư liệu, sử liệu và hồi ức của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt từng sống, chiến đấu, công tác tại xã Phổ Cường qua các thời kỳ.
Phổ Cường có 873 liệt sĩ, 192 Mẹ Việt Nam Anh hùng Toàn xã Phổ Cường có 873 liệt sĩ, 192 Mẹ Việt Nam Anh hùng, có 4 người được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được Nhà nước tặng 13 Huân chương, 45 Huy chương và hơn 2.000 người được trao tặng huân, huy chương các loại, 73 bảng vàng gia đình danh dự, 265 bảng vàng gia đình vẻ vang... |
“… Chỉ tính riêng trong 21 năm chống Mỹ (1954 - 1975) địch đã giết hại hàng ngàn người dân vô tội. Hàng ngàn ngôi nhà ở các thôn Xuân Thành, Thanh Sơn, Bàn Thạch, Nga Mân, Mỹ Trang Nam và một số xóm ở Thủy Thạch đã bị thiêu hủy, tàn phá. Hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh ly tán, vợ mất chồng, con mất cha, em mất anh... nhưng ngọn lửa cách mạng trong xã vẫn không bị dập tắt. Người trước ngã, người sau lại xông tới, anh dũng bền bỉ đấu tranh, một lòng kiên trung vì cách mạng.
Trong suốt thời gian đau thương và anh dũng ấy, trên mảnh đất thân yêu của Phổ Cường đã ghi lại những dấu ấn lịch sử chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là tấm gương bất khuất, hy sinh của các đồng chí: Phạm Xuân Hòa, Châu Thị Lư, Võ Thủ... và nhiều đồng chí khác. Máu đào của các liệt sĩ và cán bộ, nhân dân trong xã đã tô thắm truyền thống vẻ vang của quê hương, của đất nước, được các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ với lòng tự hào và biết ơn vô hạn…”.
Người dân xã Phổ Cường tích cực phát triển kinh tế để tái thiết và phát triển quê hương. |
Đất nước thống nhất, bước ra từ đống hoang tàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phổ Cường đã vượt qua bao khó khăn, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
Khoác lên mình “chiếc áo mới”, diện mạo nông thôn khởi sắc là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xã.
Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường Võ Cương cho biết, 49 năm kể từ ngày giải phóng, xã Phổ Cường đã có những đổi thay rất đáng tự hào. Địa phương đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân đạt trên 47triệu đồng/người/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Diện mạo xóm làng ngày càng thay đổi. Năm 2019, xã Phổ Cường được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Cơ sở hạ tầng ở xã Phổ Cường được đầu tư đồng bộ, diện mạo xóm làng ngày càng thay đổi. |
Sức sống mới đang được thổi bùng trên quê hương cách mạng. Với truyền thống cách mạng hào hùng cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương là tiền đề quan trọng để Phổ Cường tiếp tục phát triển và không ngừng đổi mới trên mỗi chặng đường.
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường Võ Cương cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phổ Cường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII đề ra. Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chuẩn xã NTM nâng cao và góp phần xây dựng TX.Đức Phổ ngày càng phát triển”.
Cuộc sống người dân xã Phổ Cường ngày càng được nâng cao và ngày càng khởi sắc. |
Sau 49 năm, dấu tích của chiến tranh đã dần lùi xa, trong mỗi người dân của mảnh đất núi Ấn, sông Trà còn mãi niềm tự hào về một thời oanh liệt. Trong âm vang của bản hùng ca chiến thắng, mỗi người dân Quảng Ngãi tự nhắc nhở mình phải nỗ lực phát triển kinh tế, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và viết tiếp những bản anh hùng ca lịch sử…
Bài, ảnh: LINH ĐAN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: