(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là nâng cao vai trò của cộng đồng, người dân theo phương châm “chúng ta là một phần của giải pháp” bước đầu mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học.
Người dân chung tay
Giữa tháng 5/2024, bà Đinh Thị Kim Châu, ở thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), tự nguyện giao nộp 1 cá thể kỳ đà hoa, trọng lượng 9,6kg cho Hạt Kiểm lâm huyện Tư Nghĩa. Bà Châu cho biết, tôi mua con kỳ đà hoa của một người dân ở thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ. Qua tìm hiểu, tôi biết đây là động vật rừng quý hiếm, không được phép nuôi nhốt và mua bán nên tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Cá thể kỳ đà hoa sau đó được Hạt Kiểm lâm huyện Tư Nghĩa thả vào rừng tự nhiên do UBND xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) quản lý.
Đầu tháng 10/2024, có 4 cá nhân trên địa bàn xã Phổ Nhơn, Phổ Châu và phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) cũng tự nguyện giao nộp 12 cá thể động vật rừng quý hiếm, gồm: Rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa sa nhân, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ. Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sang chia sẻ, hành động này của người dân rất đáng hoan nghênh, góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng và hệ sinh thái tự nhiên đến cộng đồng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, năm 2024, người dân trong tỉnh đã tự nguyện giao nộp trên 20 cá thể động vật quý hiếm. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với các tổ bảo vệ rừng cộng đồng thường xuyên tuần tra, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp săn bắt, mua bán và sử dụng động vật hoang dã. Về lâu dài, cần tạo lập các phương án cải thiện sinh kế cho người dân ở gần những nơi đa dạng sinh học cao. Qua đó, người dân sẽ được hưởng thụ những lợi ích từ rừng, từ đa dạng sinh học mang lại, nên ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Sơn Tịnh - TP.Quảng Ngãi thả cá thể khỉ đuôi lợn do người dân tự nguyện giao nộp vào rừng tự nhiên, khu vực xã Trà Thủy (Trà Bồng). |
Ngành chuyên môn nỗ lực
Khu bảo tồn biển Lý Sơn là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước có độ đa dạng sinh học cao, gồm 157 loài san hô, 202 loài cá, 137 loài rong biển, 6 loài cỏ biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai. Ngoài ra, khu vực này còn có 25 loài nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, phần do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, phần vì các hoạt động đánh bắt hải sản thiếu bền vững dẫn đến những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Kết quả quan trắc đa dạng sinh học rạn san hô và thảm cỏ biển của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, độ phủ san hô sống, cỏ biển giảm đáng kể trong giai đoạn 2019 - 2022, do hiện tượng tẩy trắng và chết hàng loạt, nhất là ở khu vực Bãi Lăng và Bãi Xếp (Lý Sơn). Riêng độ phủ của cỏ biển giảm từ 53% vào năm 2010, xuống còn 17%.
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng cho hay, rạn san hô và thảm thực vật biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái biển. Chúng vừa là “ngôi nhà chung”, cũng là nơi duy trì và phát triển nguồn lợi hải sản qua việc cung cấp thực phẩm cho các loại sinh vật biển. Do đó, sự suy giảm đa dạng sinh học không chỉ gây mất cân bằng sinh thái biển, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt là những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản.
Trước tình trạng này, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện và xử lý 34 vụ vi phạm trong đánh bắt hải sản trái phép, sử dụng các phương tiện và ngư cụ hủy diệt, khai thác san hô và hủy hoại thảm cỏ biển trong khu vực bảo tồn. “Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng người dân, chúng tôi khuyến khích ngư dân khai thác hải sản đúng mùa vụ, sử dụng ngư lưới cụ đúng ngành nghề và kích cỡ. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Giống Quảng Ngãi thường xuyên thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, chủ yếu là các loại hải sâm vú trắng, bào ngư 9 lỗ, cua huỳnh đế mang trứng... tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái. Qua đó, góp phần phục hồi, tái tạo và gia tăng giá trị nguồn lợi thủy sản, cũng như độ đa dạng sinh học của vùng biển Lý Sơn”, ông Dũng thông tin.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: