(Báo Quảng Ngãi)- Công tác chăm sóc trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, trẻ khuyết tật đã được tỉnh ta chú trọng thực hiện, nhằm tạo cơ hội cho trẻ hòa nhập cộng đồng.
Trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng
Em N.T.V, ở huyện Nghĩa Hành tham gia điều trị tự kỷ tại Khoa Tâm căn - Tâm thần trẻ em - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) trong thời gian 1 năm. Bệnh của N.T.V chuyển biến tốt nên được tạo điều kiện theo học tại một trường tiểu học tại địa phương. “Lúc nhỏ cháu V chậm nói, hay nói những câu vô nghĩa, không tập trung... Sau khi đi khám và phát hiện cháu bị tự kỷ, gia đình tôi đưa cháu đi điều trị, can thiệp sớm. Đến nay, cháu tiến triển tốt, đã hòa nhập cộng đồng, đến trường học tập cùng các bạn", mẹ của N.T.V, chia sẻ.
Trẻ tự kỷ được điều trị can thiệp tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. |
Từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh bắt đầu thu dung và điều trị can thiệp cho trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện thực hiện thăm khám và đánh giá cho khoảng 200 - 250 trẻ có dấu hiệu phổ tự kỷ. Đa số trẻ đến khám và đánh giá ở độ tuổi từ 2 - 6 tuổi. Hiện khoa đang thực hiện can thiệp sớm và điều trị cho 50 trẻ rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm nói... Bác sĩ Phạm Thị Thu Trà - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, tỷ lệ trẻ gặp các vấn đề về rối loạn phát triển, đặc biệt là rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng. Các triệu chứng của tự kỷ khởi phát trong những năm đầu đời của trẻ và mức độ tăng dần. Có 75% triệu chứng xuất hiện từ trước 3 tuổi và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập, sinh hoạt hằng ngày và khả năng thích ứng, hòa nhập cộng đồng. Để sớm phát hiện tự kỷ ở trẻ, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tìm hiểu các mốc phát triển theo từng độ tuổi để đối chiếu với sự phát triển của con mình; sớm đưa trẻ đến thăm khám, kiểm tra ở các cơ sở y tế uy tín hoặc các chuyên gia về lĩnh vực tâm lý, tự kỷ.
Đa dạng hoạt động hỗ trợ
Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ, khuyết tật. UBND tỉnh đã có kế hoạch về chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2030. Từ đầu năm đến nay, cùng với việc tổ chức các lớp truyền thông trực tiếp về sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí cho các bậc phụ huynh, giáo viên, trường học, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều hoạt động hướng đến trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã triển khai nhiều chương trình như phẫu thuật cho trẻ em bị tim bẩm sinh; phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, sẹo bỏng, dính ngón ở trẻ em; hỗ trợ xe lăn cho trẻ em khuyết tật; phẫu thuật vận động cho trẻ em... với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở hỗ trợ điều trị và can thiệp giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng, như Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn và nhiều trung tâm tư thục. Trung tâm Can thiệp sớm và hỗ trợ cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt Ước Mơ Xanh, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) thành lập năm 2020. Trung tâm thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm các dạng khuyết tật về trí tuệ; giáo dục kỹ năng xã hội, hướng nghiệp... giúp trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm và hỗ trợ cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt Ước Mơ Xanh Trần Thị Thu Thủy chia sẻ, trung tâm đang thực hiện can thiệp sớm cho gần 50 trẻ tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ, tăng động và rối loạn hành vi giao tiếp. Trẻ đều được sàng lọc nguy cơ, kiểm tra, đánh giá và xây dựng giáo án riêng phù hợp để giáo viên có phương pháp giúp các em hòa nhập sớm hơn. Trung bình mỗi năm, sau thời gian thực hiện các biện pháp can thiệp, điều trị, trung tâm hỗ trợ cho khoảng 15 trẻ tự kỷ, chậm nói, tăng động... hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, có nhiều cách để điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ có thể thành công khi cộng đồng và xã hội cùng chung tay đồng hành và hỗ trợ người tự kỷ, trong đó có trẻ em. Cần tổ chức nhiều sân chơi dành cho trẻ tự kỷ, đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy xây dựng mạng lưới hỗ trợ bình đẳng cho trẻ em tự kỷ, giúp các em hòa nhập cộng đồng...
Bài, ảnh: VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: