Cõng thương binh dưới làn bom đạn
Những ngày cuối tháng 4, con hẻm nhỏ dẫn vào nhà bà Hồ Thị Minh Thu, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) rợp bóng cờ. Bước sang tuổi 77, bà Thu vẫn còn nhớ rõ những năm tháng làm y tá cho cơ quan tham mưu Tỉnh đội Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ. Với bà, đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là những năm tháng ác liệt chẳng thể nào quên.
Ngày 12/8/1966, ở tuổi 19, nữ du kích của xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi) lên đường nhập ngũ và được phân công về cơ quan Tham mưu Tỉnh đội Quảng Ngãi. Tại đây, bà được cơ quan cho đi học các khóa chuyên sâu về ngành y để phục vụ sơ cứu, cứu thương tại chỗ cho cán bộ cơ quan.
Bà Hồ Thị Minh Thu xúc động kể về những năm tháng làm y tá nơi chiến trường. Tải |
Theo lời bà Thu, vì là cơ quan đầu não của Tỉnh đội, nên ngày ấy, để đảm bảo bí mật, tránh sự vây ráp của kẻ thù, đơn vị chủ yếu đóng quân ở vùng núi hiểm trở và di chuyển liên tục. Nhiều lúc, vừa đào xong hầm, lại phải thu gom đồ đạc để di chuyển sang vùng núi khác vì có nguy cơ bị lộ. Di chuyển liên tục, nên có nhiều thời điểm, những nữ y tá vừa cố gắng đảm bảo tiến độ di chuyển, vừa đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt cho thương binh. Núi non hiểm trở, nhưng các y tá, y sĩ đều chung vai cõng, khiêng các thương binh qua Nóc Ba Nhà, dốc Hùm, dốc Cọp, dốc Xà Lui. Đây đều là những địa danh nổi tiếng ở Ba Tơ, Minh Long, Tư Nghĩa... với địa thế hiểm trở, thú dữ chực chờ. Ám ảnh nhất là con dốc Xà Lui (Tư Nghĩa), con dốc cao chỉ 4m nhưng dựng đứng. Mỗi lần muốn đưa các đồng chí thương binh qua được dốc này, phải cần đến 4 người. “Chúng tôi vừa khiêng, vừa đu dây rừng, vừa đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất độ rung lắc của cáng, để các thương binh đỡ đau. Y tá chúng tôi vất vả một, nhưng sợ các thương binh đau mười", bà Thu bồi hồi nhớ lại.
Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nữ du kích Mai Kim Ngân, quê ở xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) cũng hăng hái lên đường nhập ngũ và được phân công về Bệnh xá B23 (Tỉnh đội Quảng Ngãi) khi vừa tròn 19 tuổi. Bà Ngân kể, ngày ấy, bệnh xá chỉ là lán trại làm bằng cây và lá rừng. Trong lán trại là các giường cũng được ghép từ cây rừng, buộc bằng dây mây. Sau mỗi chiến dịch và trận đánh lớn, thương binh được chuyển về nhiều, với thương tích đầy người.
“Thương binh nhiều, nhưng trang thiết bị y tế, thuốc men khi ấy rất thiếu thốn. Những lần thay băng gạc, chứng kiến các thương binh đau đớn, lại hun đúc thêm trong tôi lòng yêu nước, yêu đồng đội. Trong tôi không có chỗ cho nỗi sợ hãi, dù bệnh xá liên tục bị địch dò tìm vị trí và ném bom. Tôi chỉ có một quyết tâm, phải làm sao chăm sóc thật tốt để các đồng đội mình khỏe mạnh trở lại”, bà Ngân trải lòng.
Từ thuở đạn bom, đến thời hòa bình
Bước sang tuổi 95, ông Đào Ngọc Thạnh, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nguyên là y sĩ của Bệnh xá B23 vẫn nhớ rõ tình trạng của những thương binh nặng được đưa vào bệnh xá. Ông bảo, nỗi đau cũng như những hy sinh cao cả mà các đồng chí đã trải qua khiến ông không thể nào quên.
Y sĩ Đào Ngọc Thạnh và vợ là y tá Mai Kim Ngân nâng niu bức thư của thương binh Phạm Quốc Bảo. |
“Đó là một thương binh quê ở Thái Bình, bị đạn xuyên qua xương chậu, thủng đại tràng. Thời ấy, không có máy X-Quang, nên bác sĩ, y sĩ phải phán đoán, mày mò tìm mảnh đạn. Đó là một thương binh người dân tộc Thái, bị bom Napan gây bỏng toàn thân, nhiều vị trí vết bỏng thấu tận xương... Chứng kiến sự kiên cường của các đồng chí, những người làm quân y như tôi luôn trân quý. Khi một đồng chí vượt qua được lằn ranh sinh tử, chúng tôi tưởng như chính mình vừa thoát cửa tử. Nghĩa tình đồng đội, đồng chí trên chiến trường thiêng liêng là thế!”, ông Thạnh xúc động.
Cùng với nỗ lực điều trị cho thương binh giữa mưa bom, bão đạn, y sĩ Đào Ngọc Thạnh còn cố gắng vượt qua khó khăn của hoàn cảnh để ghi chép tỉ mỉ lại tên, tuổi, quê quán và vẽ lại vị trí nơi chôn cất của các liệt sĩ, những người không qua khỏi khi điều trị tại Bệnh xá B23.
Tháng 5 và tháng 8/1969, Bệnh xá B23 bị giặc Mỹ ném bom, bắn phá dữ dội. Các bác sĩ, y sĩ, y tá của bệnh xá đội mưa bom, bão đạn khiêng cáng, chuyển thương binh sơ tán đến nơi an toàn. “Những người thương binh trước lúc lâm chung, ai nấy đều có một ước ao có ngày được trở về với gia đình, về với nơi mình chôn nhau cắt rốn. Tôi cố gắng giữ thật kĩ càng quyển sổ ghi chép, vì quyển sổ này lưu giữ bao ước nguyện của những đồng chí mình”, ông Thạnh rưng rưng.
Hòa bình lập lại, nhờ quyển sổ ghi chép trên giấy đã ố vàng của ông Thạnh, mà nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ tại Quảng Ngãi đã tìm kiếm thành công hài cốt của con, cháu, của chồng, cha mình. Năm 2012, khi ông Phạm Quốc Bảo, quê ở quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, một trong những chiến sĩ thuộc Ban Tham mưu Trung đoàn 22 Bộ binh, Sư đoàn 3 - Sao vàng (Quân khu 5), từng được điều trị tại Bệnh xá B23 trở về Quảng Ngãi để thăm ông Thạnh, thông tin trong quyển sổ tay được ông Bảo tiếp tục lan tỏa đến thân nhân một số liệt sĩ ở các tỉnh phía bắc. Số gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ qua quyển sổ chép tay của ông Thạnh nhờ vậy lại tiếp tục tăng lên.
Trong chiếc tủ gỗ của gia đình mình, ông Thạnh lưu giữ quyển sổ ghi chép thông tin các liệt sĩ như báu vật. Phía dưới quyển sổ, là lá thư cảm ơn của ông Phạm Quốc Bảo gửi đến những cán bộ, nhân viên Bệnh xá B23 năm xưa. Lá thư có đoạn viết rằng: “Nhớ lại những năm tháng chiến đấu vô cùng ác liệt ở chiến trường, khi bị thương được sự chăm sóc tận tình của y, bác sĩ Bệnh xá B23 và sự đùm bọc, che chở của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, tôi vô cùng cảm kích và biết ơn mãi mãi”...
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: