Ổn định cuộc sống nhờ phát triển chăn nuôi

06:02, 19/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ chịu khó, siêng năng và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, ông Nguyễn Mậu Phong (54 tuổi), ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức), đã thành công với mô hình chăn nuôi heo, bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Mậu Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Mậu Phong đã chọn công việc chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông tìm hiểu và nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, nên đạt hiệu quả cao. Cách đây hơn 10 năm, ông Phong là người đầu tiên ở địa phương mạnh dạn đầu tư máng ăn tự động cho đàn heo. Sử dụng máng ăn tự động giúp hạn chế thất thoát thức ăn ra bên ngoài, giữ chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, ông Phong còn đầu tư các lồng nuôi heo đẻ, để heo mẹ không đè lên heo con mới sinh, cũng như các thiết bị hỗ trợ trong chăn nuôi, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. 

Ông Phong cho biết thêm, 3 yếu tố quan trọng để chăn nuôi heo đạt hiệu quả, đó là con giống, chuồng trại, thức ăn. Vì thế, tôi nhập heo giống từ trang trại uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Chuồng trại nuôi heo phải thông thoáng, sạch sẽ vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Vào mùa hè, tôi sử dụng giàn phun sương, có khu vực hồ tắm giúp heo không bị nắng nóng. Còn mùa đông, chong đèn để giữ ấm cho đàn heo. Đối với thức ăn cho heo thì  mua từ các cơ sở có kiểm định chất lượng.
Hiện nay, ông Phong nuôi khoảng 10 con heo nái sinh sản, 100 con heo thịt. Trung bình khoảng 3 tháng, ông xuất chuồng một lứa heo thịt, với giá bán ổn định từ 50 - 55 nghìn đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài nuôi heo, ông Phong còn nuôi 20 con bò thịt. Tận dụng diện tích đất vườn rộng, ông trồng cỏ để làm thức ăn cho bò. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng chất thải trong chăn nuôi, ông Phong đầu tư làm hầm biogas, làm khí đốt phục vụ nấu ăn trong gia đình, giúp tiết kiệm chi phí. Trước đây, ông còn tận dụng nguồn nhiên liệu này để phát điện sưởi ấm cho đàn gà, vịt.

Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả, ngoài tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thời gian, ông Phong còn tham dự các lớp tập huấn, tham quan các mô hình để cập nhật kiến thức. Cùng với việc chăn nuôi, vợ chồng ông Phong kết hợp kinh doanh thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, vợ chồng ông còn trồng lúa, trồng keo. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Phong còn nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi đến các hộ dân ở địa phương. 

Nhờ sự chịu khó, siêng năng, vợ chồng ông Phong đã tạo dựng cơ ngơi khang trang, nuôi con ăn học bài bản. Người con trai đầu của vợ chồng ông đã tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ thú y Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh và trở về quê lập nghiệp với mong muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, góp sức xây dựng quê hương. 

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 06:02, 19/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.