Con đường của niềm vui và nỗi nhớ

11:07, 16/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vừa có con đường bê tông chạy dọc tuyến kè chắn sóng dài hơn 1km, khánh thành cách đây không lâu. Người dân vui lắm, gọi điện thoại rổn rảng cho con cháu ở xa bảo: “Quê mình nay có đường bờ kè to lắm, đẹp lắm”. Với khách xa, người Sa Huỳnh khoe: “Bờ kè và con đường ngót nghét trăm tỷ, kinh phí của tỉnh lo, người dân rất phấn khởi”.

Đường bờ kè thoáng mát nên có nhiều người dân đi thể dục buổi sáng. ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Đường bờ kè thoáng mát nên có nhiều người dân đi thể dục buổi sáng. ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Ba tiếng “đường bờ kè” giờ đã trở thành câu cửa miệng của người dân ở Sa Huỳnh. Sau mấy đợt mưa bão, cánh thanh niên hú nhau xuống coi bờ kè rồi tấm tắc khen, sóng đánh dữ dội vậy mà không có mét kè nào nứt vỡ. Trẻ nhỏ rủ nhau xuống bờ kè đá bóng hò reo inh ỏi. Chiều chiều, thanh nữ nhóm ba, nhóm năm xõa tóc, nắm tay nhau xuống bờ kè để… tóc gió vờn bay. Sáng sớm, bà con hú nhau tập thể dục, đi dọc bờ kè trò chuyện râm ran. Tiếp khách xa, bà con Sa Huỳnh cũng hay chờ “phố” bờ kè lên đèn rồi mới đi dạo. Đã phổ thông lắm rồi nên ba tiếng “đường bờ kè” như cái tên ai đặt từ lâu.

Tôi cũng hay đi dọc đường bờ kè để ngắm và nghe. Ngắm là ngắm biển xanh trong, ngắm mặt trời mới rựng, ngắm hàng dương liễu trầm ngâm, ngắm những con tàu thong dong ra vào cửa lạch. Nghe là nghe con đường khua lên những bước chân vui của bà con. Nói không ngoa, âm thanh con đường là tiếng reo của nhiều hộ dân có nhà dọc bờ biển. Những mùa bão dông “sống trong sợ hãi”, phập phồng bởi tình trạng sạt lở, triều cường... đã không còn. Họ vui vì đã an sinh. Họ cũng rất vui vì bỗng chốc... lên đời. Chứ còn gì nữa! Đang đối mặt với nhiều cái mất: Mất ăn, mất ngủ vì nỗi lo mất nhà, mất cửa, bỗng được làm dân “phố biển” hẳn hoi. Nhà nào cũng tranh thủ sửa sang để hướng mặt tiền ra con đường bê tông thoáng đãng. 
  
Có ông giáo về hưu đặt vè rồi cười tủm tỉm đọc lên chọc mấy đứa cháu gái: “Ve vẻ vè ve... Lấy chồng ở đường bờ kè/ Khác nào xôi nếp muối mè sánh duyên”. Nước nổi bèo nổi, đường bờ kè xây dựng kiên cố, sạch đẹp, nhà dọc đường bờ kè khang trang hơn. Ngày hè, trong làng bịt bùng nên gió rón rén. Ra đường bờ kè là gió thênh thang. Bóng chiều chưa tắt, những biển hiệu điện tử nhiều màu phía tây đường đã nhấp nháy, nào là “Bánh bèo cô Vân”, “Trà sữa Chiều Xưa”, “Ốc Gió Khơi”, “Hàu Đại Dương”, nào là “Tôm cua Minh Mập, “Cá nướng Biển Tình”... Quán nào quán nấy tuy bài trí đơn sơ nhưng không dễ dãi, có điểm xuyết hoa lá nhưng không lòe loẹt, trang trí chấm phá thôi, nhưng có điểm nhấn.

Người dân ở dọc đường bờ kè hào hứng trồng cây. Cây còn non nhưng đã ra dáng lắm. Chiều về, con đường đậm chất làng chài rộn vui. Tiếng ngư dân chuyển ngư cụ xuống bến; tiếng con tàu đi biển nổ máy giòn tan. Đêm xuống, con đường văng vẳng âm thanh ghi ta từ nhóm bạn mừng sinh nhật, từ những cuộc vui “lâu rồi mới gặp”... Vài cặp đôi nắm tay nhau chậm bước khiến con đường bê tông trở nên... mềm mại.

Câu chuyện về con đường bờ kè Sa Huỳnh chỉ nhiêu đó thôi. Vậy mà đã kết tủa thành nỗi nhớ trong lòng những đứa con xa quê. Có đứa gọi về, câu trước hỏi thăm nhà, câu sau là “nhớ gió bờ kè nhiều lắm”!

TRẦN CAO DUYÊN



 

Xuất bản lúc: 11:07, 16/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.