Điểm tựa cho người lao động lúc rủi ro

15:36, 14/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong quá trình làm việc, lao động là điều không thể lường trước và có khả năng đe dọa sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Vì vậy, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) ra đời đã trở thành “điểm tựa” của người lao động lúc rủi ro.

Cách đây 6 tháng, khi đang làm cấp dưỡng tại một trường mầm non trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa, ở xã Nghĩa Hòa (TP.Quảng Ngãi), không may bị tai nạn lao động (TNLĐ) trong lúc làm việc. Tai nạn bất ngờ đã khiến bàn tay phải của chị bị thương nghiêm trọng. Chị Hòa đã được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, do vết thương nặng, chị Hòa phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện để được cấy ghép da và nối ngón tay. Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 50%, chị Hòa đã được chế độ BHTNLĐ, BNN chi trả hằng tháng suốt đời theo quy định hiện hành của Nhà nước, dù chỉ mới tham gia BHXH được 10 tháng. “Số tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng giúp tôi trang trải được phần nào kinh phí điều trị”, chị Hòa chia sẻ.

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã trở thành chỗ dựa thiết thực cho chị Nguyễn Thị Minh Trâm.  
Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã trở thành chỗ dựa thiết thực cho chị Nguyễn Thị Minh Trâm.  

Còn với chị Nguyễn Thị Minh Trâm, công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, thì BHTNLĐ, BNN đã trở thành chỗ dựa thiết thực khi chị bị tai nạn trong quá trình làm việc. Chị Trâm kể, tháng 10/2022, trong lúc di chuyển trên đoạn đường mà tôi đảm nhận chăm sóc cây xanh thì chẳng may bị ngã xe. Lúc đầu, tôi nghĩ không bị nặng nhưng ngày hôm sau, cảm giác đau nhức kéo dài nên tôi đến bệnh viện chụp phim mới biết bị gãy 6 xương sườn. Tôi phải điều trị tại bệnh viện hơn 2 tháng.

Chị Trâm đã được giám định y khoa với tỷ lệ thương tật 15%. Do đang tham gia BHXH tại doanh nghiệp, với tỷ lệ tổn thương dưới 31%, chị Trâm được quỹ BHTNLĐ, BNN chi trả chế độ 1 lần. Sau khi hoàn tất hồ sơ thủ tục, chị Trâm được cơ quan BHXH chi trả số tiền hơn 49 triệu đồng. "Tôi không nghĩ là sẽ được chi trả nhiều đến thế. Nhờ đó mà trong hơn 2 tháng nghỉ việc, tôi và gia đình có tiền để sinh hoạt, mua thuốc men điều trị bệnh. Đối với người lao động không có thu nhập cao như tôi, thì BHTNLĐ, BNN đã thực sự trở thành điểm tựa trong lúc rủi ro. Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH", chị Trâm nói.

Tai nạn lao động, BNN là điều không ai mong muốn nhưng trong thực tế vẫn xảy ra và để lại những hậu quả rất đáng tiếc. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình nên khi chẳng may bị TNLĐ hay mắc BNN phải nghỉ làm, thì gia đình họ đều lâm vào cảnh khó khăn. Vì vậy, chính sách BHTNLĐ, BNN ra đời đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người lao động. Đây là 1 trong 5 chế độ của chính sách BHXH đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trương Quang Hùng cho biết, theo quy định hiện hành của Luật An toàn vệ sinh lao động, những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều được tham gia BHTNLĐ, BNN. Nếu như người sử dụng lao động không đóng BHXH cho người lao động, khi chẳng may trong quá trình lao động, người lao động bị TNLĐ hoặc BNN, thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hằng tháng, 1 lần, trợ cấp phục vụ cho người lao động thay cho cơ quan BHXH.

HƠN 4 TỶ ĐỒNG
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 31/5/2023, BHXH tỉnh đã giải quyết 98 trường hợp trợ cấp TNLĐ (gần 4 tỷ đồng) và 29 trường hợp hưởng trợ cấp hằng tháng, với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Từ ngày 1/7/2023, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có rất nhiều khoản trợ cấp BHXH được điều chỉnh tăng theo quy định mới. Theo đó, trợ cấp BHTNLĐ, BNN cũng sẽ được nâng lên theo tỷ lệ thương tật, trở thành chỗ dựa thiết thực cho người lao động khi gặp rủi ro trong quá trình lao động.

 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 
 


Ý kiến bạn đọc


.