Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung: Phần lớn chưa phát huy hiệu quả 

22:08, 25/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 513 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, thì có 477 công trình hoạt động kém bền vững, hoặc ngừng hoạt động. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân, mà còn gây lãng phí.

Sống bên công trình cấp nước vẫn thiếu nước
Mới đầu mùa nắng, nhưng người dân ở thôn Tre, xã Trà Tây (Trà Bồng) đã chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Những con suối cạn trơ đáy. Bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì hư hỏng. Ống nhựa dẫn nước nằm chỏng chơ ven đường, trước nhà, cạnh suối. Ông Hồ Văn Truyền, ở thôn Tre cho biết, ở đây không có giếng khoan, mỗi khi nắng nóng là nước suối cạn nên ai cũng khổ. Tôi phải dùng xô nhựa, lấy nước suối mang về lắng, chắt lấy nước trong để nấu ăn, uống, phần nước đục dùng để tắm rửa.
Bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Tre, xã Trà Tây (Trà Bồng) không có nước, khiến người dân nơi đây thiếu nước vào mùa khô. 
Bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Tre, xã Trà Tây (Trà Bồng) không có nước, khiến người dân nơi đây thiếu nước vào mùa khô. 

Điều đáng nói là, nhà ông Truyền ở ngay cạnh bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng bể khô nước, ống nhựa vỡ toác, các van gỉ sắt. "Khi có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, người dân ai cũng mừng. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, công trình cũng chẳng có nước, rồi bỏ hoang, người dân lại khổ vì thiếu nước", ông Truyền nói. 

Không chỉ thôn Tre, trên địa bàn huyện Trà Bồng hiện có 57/170 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã dừng hoạt động, số còn lại hầu hết rơi vào tình trạng “kém bền vững”.

Giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh có 28 công trình, dự án nước sinh hoạt tập trung được xây mới, tổng kinh phí thực hiện hơn 139 tỷ đồng (ngân sách trung ương trên 48 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương). Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư 15 công trình, UBND cấp huyện và xã làm chủ đầu tư 14 công trình. Có 17 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 10 công trình đang thi công và 1 công trình là Hệ thống cấp nước sinh hoạt ở xã Bình Châu (Bình Sơn) phải dừng thực hiện.
 
Tại các thôn Mang Đen, Y Vang, xã Ba Vì (Ba Tơ), người dân cũng chật vật vì “khát nước”, dù công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen đã thi công hoàn thành. Ông Phạm Văn Hay, thôn Y Vang cho biết, khi Nhà nước xây dựng công trình cấp nước, người dân trong thôn rất mừng vì không phải đi tìm suối kiếm nước vào mùa khô. Nhưng đã gần 3 năm nay, công trình vẫn chưa cấp nước cho người dân mà đường ống vỡ toác, bể chứa thì bị cỏ dại và đất đá phủ lấp.

Không chỉ xã Ba Vì, mà trên địa bàn huyện Ba Tơ hiện có 62/75 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung dừng hoạt động và hoạt động kém bền vững.

Tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung dừng hoạt động, hoặc hoạt động kém bền vững xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trong số 513 công trình trên địa bàn tỉnh, thì chỉ có 36 công trình hoạt động ổn định và tương đối bền vững, số còn lại (477 công trình) rơi vào cảnh phơi nắng phơi mưa, các thiết bị tại hệ thống trạm bơm bị rỉ sét, đường ống hư hỏng, bể chứa nước và nhà quản lý nứt nẻ cỏ dại mọc um tùm. Điều này vừa gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vì thiếu nước để sinh hoạt, đặc biệt là vào các tháng mùa khô.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động một phần do việc xác định nguồn nước ban đầu chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Có nơi, việc xây dựng các công trình không phù hợp với nhu cầu của người dân nên tỷ lệ đấu nối sử dụng thấp, dẫn đến công trình “đắp chiếu” vì thu không đủ chi.

Không có kinh phí sửa chữa, nên đơn vị quản lý dùng thanh tre để vá những lỗ thủng trên bộ phận lọc của Trạm nước sạch xã Đức Lợi (Mộ Đức).    
Không có kinh phí sửa chữa, nên đơn vị quản lý dùng thanh tre để "vá" những lỗ thủng trên bộ phận lọc của Trạm nước sạch xã Đức Lợi (Mộ Đức).    

Như công trình cấp nước sinh hoạt Đức Hòa - Đức Thạnh (Mộ Đức), được đầu tư năm 2019 với kinh phí 10 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021. Công suất thiết kế 800m3/ngày đêm (tương đương 500 hộ sử dụng), nhưng thực tế chỉ sử dụng 44m3/ngày đêm (28 hộ). Hay hệ thống cấp nước sinh hoạt 3 thôn Gia Hòa, Tân Định, Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) cũng chỉ có 10 hộ đấu nối sử dụng, trong khi công suất thiết kế là 300 hộ.

Ngoài ra, công trình dừng hoạt động, bị bỏ hoang xuất phát từ việc người dân không đấu nối sử dụng, vì cho rằng nước không đảm bảo chất lượng! Như công trình cấp nước cho 4 khu dân cư xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối tháng 11/2013, công suất thiết kế 350m3/ngày đêm (cấp nước cho 1.000 hộ). Tuy nhiên thực tế chỉ có 45  -  50 hộ đấu nối. Từ năm 2021 đến nay thì không có hộ nào sử dụng.

Công trình nước sạch cấp nước sinh hoạt cho 4 khu dân cư xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) xuống cấp, vì người dân không đấu nối sử dụng.
Công trình nước sạch cấp nước sinh hoạt cho 4 khu dân cư xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) xuống cấp, vì người dân không đấu nối sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Sáng, ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long cho hay, nguồn nước ở khu vực này bị nhiễm phèn nghiêm trọng, nhưng không hiểu sao hệ thống lọc và xử lý nước của công trình lại không phát huy tác dụng, nên nước sau khi xử lý vẫn còn phèn. Sau nhiều lần kiến nghị mà chất lượng nước không cải thiện nên người dân ngừng sử dụng, mua nước bình để uống và nấu ăn. Sinh hoạt hằng ngày thì người dân tận dụng nước từ giếng khoan, giếng đào.

Đối với nhiều công trình do chính quyền cấp xã quản lý, nhất là khu vực miền núi thì hầu hết là quy mô, công suất nhỏ, xa khu dân cư và chịu tác động của thiên tai. Phương thức hoạt động mang tính phục vụ, an sinh xã hội, nên không có nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng...

Để các công trình phát huy tác dụng

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho rằng, để phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cần phải thiết lập cơ chế đầu tư, khai thác, quản lý và vận hành chuyên nghiệp. Trước hết, việc đầu tư công trình tập trung phải đảm bảo quy mô hộ thụ hưởng, quan trắc khảo sát và đánh giá chất lượng nguồn nước nhằm đầu tư thiết bị xử lý phù hợp.

Lâu nay, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chỉ dừng lại ở việc khoan, bơm nước lên bồn và lắng lọc kiểu thủ công, chứ chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý bài bản. Bên cạnh đó, cần kiểm kê và đánh giá lại toàn bộ hiện trạng, tính hiệu quả của các công trình, nhằm điều chỉnh phù hợp theo hướng đầu tư quy mô, quản lý đồng bộ, vận hành hiệu quả. Riêng nguồn nước sử dụng phải được tính toán ưu tiên từ hệ thống công trình thủy lợi để đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Một hạng mục của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) nằm lọt thỏm trong rẫy keo.
Một hạng mục của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) nằm lọt thỏm trong rẫy keo.

Ngoài ra, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương cần sớm xây dựng phương án giá nước sinh hoạt đúng quy định, hướng đến nguyên tắc “giá nước phải trả phù hợp với chất lượng dịch vụ của đơn vị cấp nước”. Qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả đơn vị quản lý cũng như người sử dụng nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh kiến nghị, tỉnh cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cũng như quy định mức phí sử dụng nước phù hợp với từng khu vực, đối tượng. Qua đó, vừa tạo nguồn kinh phí phục vụ công tác vận hành và xử lý, vừa nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế thất thoát.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

               


 


Ý kiến bạn đọc


.