(Báo Quảng Ngãi)- Đã 48 năm trôi qua, không khí của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người từng đi qua năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Vẹn nguyên ký ức
Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Huỳnh Minh Giữ luôn giữ gìn chiếc lược làm từ vỏ máy bay mà đồng đội đã tặng cho ông vào năm 1969. Ảnh: Ý THU |
Đã 48 năm kể từ thời khắc lịch sử hào hùng ấy, Đại tá Huỳnh Minh Giữ - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh vẫn nhớ rất rõ hình ảnh quân và dân Quảng Ngãi phấn khởi xuống đường reo hò mừng chiến thắng. “Sau khi giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, từng đoàn quân từ phía bắc rầm rập vào chi viện cho miền Nam. Người dân Quảng Ngãi đứng dọc hai bên đường vẫy chào quân ta. Bà con mang nước uống, bánh, trái cây... để gửi tặng bộ đội. Ngày 30/4/1975, khi thông tin miền Nam giải phóng được phát trên loa phát thanh, người dân vui mừng, phấn khởi. Tại TX.Quảng Ngãi, từng đoàn người tỏa đi khắp các nẻo đường, vừa chạy vừa reo hò trong niềm vui khi được sống trong hòa bình”, Đại tá Huỳnh Minh Giữ kể.
Cựu chiến binh Phạm Văn Mau (89 tuổi), ở xã Ba Bích (Ba Tơ), nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 20 nhớ lại, ngày ấy, đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ sống rải rác chứ không tập trung như bây giờ. Khi nghe tin miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất, người dân vui mừng, nhà nào nghe tin trước thì chạy đi thông báo cho nhà khác. Cứ thế, người dân khắp các thôn vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Tối đến, bà con tập trung bên bếp lửa, đánh cồng chiêng, múa hát mừng chiến thắng, mừng hòa bình.
Hạnh phúc đến nghẹn ngào
Ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước, cũng là ngày đoàn tụ của biết bao gia đình đã phải xa cách do chiến tranh. Hai từ “hòa bình” trở nên thiêng liêng, cao quý hơn bao giờ hết đối với những người, những gia đình đã đi qua cuộc chiến, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tấc gang.
Ông Lê Tấn Phùng, ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) nâng niu kỷ vật của cha mình. Ảnh: Ý THU |
Bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc được gặp lại cha sau hơn 20 năm xa cách bởi chiến tranh, ông Lê Tấn Phùng (75 tuổi), ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) rưng rưng kể, năm 1955, cha tôi tập kết ra Bắc. Lúc ấy, tôi mới 7 tuổi. Mãi đến năm 1965, cha tôi trở về chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi. Biết tin cha đang ở quê, nhưng vì sự an toàn của cha, nên mẹ và 4 anh em tôi không thể gặp cha. Ngày đất nước thống nhất, cha trở về nhà. Cất tiếng gọi cha, tôi rất hạnh phúc. Cuối cùng, gia đình tôi cũng chờ được đến ngày hòa bình để đoàn tụ.
Thoát ly tham gia cách mạng vào tháng 9/1966 khi mới 18 tuổi, bà Võ Thị Phương, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) trở thành y tá của Bệnh xá B25 (Tỉnh đội Quảng Ngãi). Được chọn tham gia vào các đội giải phẫu nên suốt những năm tháng chiến tranh, nữ y tá Võ Thị Phương đã có mặt trên khắp các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai.
“Ngày 30/4/1975, tôi nghe thông tin miền Nam hoàn toàn giải phóng khi đang ở Gia Lai. Tôi cùng các anh em trong đội giải phẫu đã thức trắng mấy đêm liền vì vui sướng, hạnh phúc. Và càng vui mừng hơn, khi chúng tôi được về thăm nhà sau bao năm xa cách. Tôi hạnh phúc đến nghẹn ngào khi được về nhà và thấy cha mẹ vẫn còn sống!”, bà Phương xúc động nói.
Còn mãi những ân tình
Ngày non sông liền một dải, những người lính Cụ Hồ trở về với gia đình, ruộng nương, vui sống đời hòa bình. Song, tận sâu trong tâm khảm của mỗi người, tình đồng chí, đồng đội trong những năm tháng chiến đấu, vào sinh ra tử vẫn luôn khắc sâu.
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của ông Tạ Quang Thể, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 48, Tiểu đoàn 83, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), là nơi hội ngộ của các đồng đội. “Chiến tranh kết thúc nhưng tình cảm giữa những người lính chúng tôi thì còn mãi. Đồng đội chiến đấu cùng tôi năm xưa, người ở Quảng Ngãi, người ở tận Hưng Yên, Thái Bình... Những năm qua, có rất nhiều đồng đội quê ở miền Bắc vào Quảng Ngãi để thăm lại chiến trường Đông Sơn một thời. Những dịp ấy, tôi nhất quyết yêu cầu các đồng chí ở lại nhà tôi, để vợ chồng tôi được mời các đồng chí bữa cơm, lo cho các đồng chí giấc ngủ. Tình đồng chí, đồng đội như anh em một nhà", ông Thể chia sẻ.
Ông Trần Đình Hồng, ở tỉnh Thái Bình trở lại Quảng Ngãi để viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Tấn Giáo trong những ngày tháng 4/2023, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Sơn. Ảnh: Ý THU |
Bốn mươi tám năm sau ngày đất nước thống nhất, những người lính của Tiểu đoàn 48, Tiểu đoàn 83... vẫn tiếp tục cuộc hành trình về lại Quảng Ngãi để thăm đồng đội, thăm lại chiến trường xưa và tìm kiếm phần mộ của đồng đội - những người đã mãi nằm lại trên đất Quảng Ngãi.
Viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bình Sơn trong những ngày tháng Tư lịch sử, ông Trần Đình Hồng, quê xã Minh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình) rưng rưng gọi hai tiếng “Thủ trưởng” khi đứng trước phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Tấn Giáo, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 48. “Anh Giáo vẫn luôn là thủ trưởng trong lòng tôi, dù trong chiến tranh hay lúc hòa bình, kể cả khi anh còn sống, hay khi anh đã hy sinh”, ông Hồng tâm sự.
Trở lại Quảng Ngãi để tìm kiếm mộ của đồng đội cùng quê Thái Bình, ông Hồng bùi ngùi bảo: “Năm 1969, tôi cùng 4 anh em trong xã lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu tại Quảng Ngãi. Ngày hòa bình, chỉ còn tôi còn sống trở về quê hương. Sống giữa những ngày hòa bình, tôi vẫn luôn đau đáu với đồng đội, đồng hương đã hy sinh. Vì vậy, tôi quyết định trở lại Quảng Ngãi để tìm kiếm hài cốt của họ”.
Tần ngần bên chiếc lược làm từ vỏ máy bay, Đại tá Huỳnh Minh Giữ xúc động bảo: “Chiếc lược này tôi cất giữ cẩn thận, bởi đây là kỷ vật của một đồng chí, là liệt sĩ quê ở tận Hưng Yên. Đồng chí ấy là chủ nhiệm một hợp tác xã, tình nguyện nhập ngũ và vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi. Anh đã làm ra chiếc lược này từ vỏ máy bay rồi tặng tôi vào năm 1969, khi cả hai cùng ở Tiểu đoàn 48... Chiến tranh lùi xa, nhưng với những người từng trải qua cuộc chiến, từng chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc như chúng tôi đều thấu hiểu và trân trọng sự hy sinh cao cả, để làm nên hòa bình hôm nay!”, đại tá Huỳnh Minh Giữ kể.
Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày núi sông liền một dải, chữ tình của những người lính từng vào sinh ra tử, vẫn cứ đong đầy. Họ cùng nhau ôn lại một thời đạn bom, máu lửa, cùng vun đắp, dặn dò thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do...
Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: