(Báo Quảng Ngãi)- Bài thơ "Gặp lá cơm nếp" của nhà thơ Thanh Thảo, trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Câu từ nhẹ nhàng, gần gũi, lắng sâu trong lòng người.
Tôi biết nhà thơ Thanh Thảo qua thơ với rất nhiều tác phẩm hay, đặc biệt là những tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Trong số những tác phẩm đó, tôi khá ấn tượng với bài thơ "Gặp lá cơm nếp" được trích trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Bài thơ này, tác giả đã gửi gắm nhiều cảm xúc về quê hương, đất nước, đặc biệt là những tình cảm sâu sắc mà nhà thơ dành cho người mẹ của mình.
Quê hương đối với Thanh Thảo rất thiêng liêng. Ông trân quý từng kỷ niệm ngọt ngào nơi mình được sinh ra. Những hương vị của quê hương đã gắn liền với tuổi thơ của tác giả, mà có lẽ suốt đời không thể nào quên được: “Xa nhà đã mấy năm/ Thèm bát cơm mùa gặt/ Khói bay ngang tầm mắt/ Mùi xôi sao lạ lùng”. Vì hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh nên tác giả đã lên đường, tạm rời xa quê hương để phục vụ cho Tổ quốc. Khoảng thời gian xa nhà mà tác giả nói đến là “đã mấy năm”, một khoảng thời gian không xác định cụ thể nhưng ta vẫn hiểu là rất lâu rồi ông vẫn chưa được về thăm nhà. Và nỗi nhớ nhà, nhớ quê dường như luôn thường trực, đau đáu trong lòng. Để rồi trên con đường hành quân, nhà thơ gặp được lá cây cơm nếp với mùi vị thơm lừng. Hương thơm ấy đã gợi lại trong lòng ông với nỗi nhớ quê, nhất là mùi thơm của cơm nếp xôi của mùa gặt mới. Hình ảnh “Khói bay ngang tầm mắt” có thể là khói bếp của những người dân nơi nhà thơ hành quân qua, hình ảnh mang nhiều kỷ niệm. Ta cảm nhận được dường như cái khói bếp ấy làm cho nhà thơ rưng rưng khóe mắt bởi những sự hoài niệm về cố hương.
Nhưng có lẽ, nhớ nhiều hơn cả trong ký ức của tác giả chính là hình ảnh của người mẹ già tảo tần sớm khuya chăm sóc cho gia đình: “Mẹ ở đâu, chiều nay/ Nhặt lá về đun bếp”. Câu hỏi tu từ “Mẹ ở đâu, chiều nay” có lẽ là cảm xúc của tác giả đang trào dâng. Nhà thơ không biết mẹ của mình bấy giờ như thế nào? Có còn nhiều sức khỏe? Có còn nhặt lá về để đun nếp xôi nữa không? Mà bây giờ cái hương vị nếp xôi mẹ nấu ngày ấy cứ phảng phất đâu đây, vương vấn trong lòng của đứa con xa quê: “Phải mẹ thổi cơm nếp/ Mà thơm suốt đường con”. Nhà thơ rất trân quý cái hương vị của nếp xôi quê nhà. Đây là một món ăn bình dị, dân dã, nhưng đối với Thanh Thảo, có lẽ nó hơn cả những món “cao lương mỹ vị” trên đời. Bởi lẽ món nếp xôi ấy không chỉ thơm ngon đơn thuần của mùa lúa nếp mới, mà nó còn có cả tấm lòng thiêng liêng, cao quý của người mẹ trong đấy. Vậy nên dù có thưởng thức bao món ăn ngon trên đời đi nữa, thì cái hương vị nếp xôi của mẹ nấu vẫn là một món ăn mà tác giả sẽ mãi nhớ về nó: “Ôi mùi vị quê hương/ Con làm sao quên được”. Với Thanh Thảo, tình yêu dành cho đất nước và dành cho mẹ đều quan trọng như nhau, vì cả hai đều là lẽ sống của nhà thơ. Cho nên ông không thiên lệch bên nào cả, mà chia đều cho cả hai: “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”.
Với thể thơ năm chữ ngắn gọn, hài hòa về nhịp điệu, bài thơ "Gặp lá cơm nếp" của nhà thơ Thanh Thảo đã khắc họa những cảm xúc chân thành của ông đối với mẹ và quê hương. Tình cảm ấy không dễ gì ai cũng có được. Bài thơ đã gửi gắm nhiều thông điệp có giá trị đến tâm hồn của người đọc. Đó chính là sức lan tỏa tích cực đến mọi người về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
NGUYỄN HOÀI ÂN
Gặp lá cơm nếp
Xa nhà đã mấy năm
Thèm bát cơm mùa gặt
Khói bay ngang tầm mắt
Mùi xôi sao lạ lùng.
Mẹ ở đâu, chiều nay
Nhặt lá về đun bếp
Phải mẹ thổi cơm nếp
Mà thơm suốt đường con.
Ôi mùi vị quê hương
Con quên làm sao được
Mẹ già và đất nước
Chia đều nỗi nhớ thương.
Cây nhỏ rừng Trường Sơn
Hiểu lòng nên thơm mãi...
THANH THẢO
(Thanh Thảo, Dấu chân qua trảng cỏ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: