Truyện ngắn: Mưa ở bến sông quê

09:55, 07/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- 1.Tháng Sáu dãi dầu từng cơn nắng nóng. Một buổi chiều, trời bất ngờ mưa, cứ sầm sập liên hồi. Cảm giác bao nhiêu nước tích tụ lâu ngày trên không trung đều trút xuống ruộng đồng, gò bãi. Rừng dừa nước lao xao đón từng đợt mưa, tàu lá dường như mướt xanh hơn khi được tắm mát.

Nhân đứng ở mái hiên nhìn mưa. Mưa đã gần tiếng đồng hồ nhưng chưa có dấu hiệu dừng. Nước tuôn thành dòng, chảy lênh láng khắp mặt đường, luồn xuống cống rãnh, ầm ào. Bến sông mù, con nước vời trôi mê mải.

- Đúng là cơn mưa giải nhiệt, xua tan cái nóng như thiêu như đốt mấy tháng nay! Cha Nhân chân cao chân thấp chạy từ đồng về. Ông vừa rửa chân, lau mặt vừa nói. Nhân cũng phụ họa mấy lời, lòng nhẹ nhõm trước không khí mát mẻ của đất trời. Anh khe khẽ hát. Một bài hát về mưa. Giọng anh hòa cùng tiếng mưa khi xa bồi hồi khi gần thổn thức, tiếng mưa gieo thương, gợi nhớ. Mưa khều ký ức dầm dề trong anh những câu chuyện của ông bà về cái ngày xưa xa lơ xa lắc, về căn cứ cách mạng luồn sâu trong rừng dừa nước, về buổi sáng kinh hoàng khiến hơn năm trăm thường dân vô tội chết trong tức tưởi.

Nhân lặng im, cúi đầu. Tiếng sấm vẫn còn ì ùng phía trời xa. Mưa vẫn đều đều phả từng cơn lạnh, mưa đưa anh về một thời thơ dại, về những ngày gia đình còn sống trong khu tập thể xây dựng đã lâu. Cha mẹ anh đều là công nhân vệ sinh môi trường. Một sự trùng hợp thú vị, anh ra đời cùng năm cái thị xã nằm ven bờ biển thơ mộng được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Nhiều công trình, xí nghiệp mọc lên, đường sá, đô thị được chỉnh trang ngày càng to, đẹp. Rồi sau mấy năm tách tỉnh, cha mẹ đưa anh rời khu phố nhỏ mà họ đã gắn bó suốt một quãng đời tuổi trẻ. Hôm ấy, trời bỗng ngằn ngặt mưa. Mưa ướt sũng tâm tư của đứa trẻ lên mười. Mưa giăng ngang đôi mắt mẹ. Mưa khiến cha cúi mặt khi nói lời tạm biệt hàng xóm, anh em cùng cơ quan. Để rồi sau này lớn lên, cứ nhìn mưa là bao ký ức tìm về, xôn xao và da diết trong anh.

2. Nhân tốt nghiệp đại học bách khoa, ngành cầu đường. Những công trình hạ tầng, nhiều con đường ở các khu đô thị mới, nhiều chiếc cầu nối đôi bờ sông được giao cho công ty anh thiết kế và giám sát thi công. Cha mẹ rất tự hào về anh, từng bảo rằng chính tuổi thơ vất vả vì cả cha mẹ đều làm công nhân, có nhiều hôm phải làm ca đêm, ít có thời gian chăm sóc con đã giúp anh ý thức tự lập ngay từ còn nhỏ. Nhân biết ơn cha mẹ, chính công việc của họ đã cho anh những gì tốt nhất chứ anh không hề xấu hổ, mặc cảm. Từ ngày chuyển về quê sinh sống, cha mẹ vẫn duy trì công việc cũ. Hằng ngày, cha mẹ dậy từ gà gáy, gói ghém đồ ăn rồi đạp xe lên thị xã làm việc. Ở nhà, Nhân lủi thủi chơi một mình, đói thì lục chạn lấy cơm ăn, buồn ngủ thì nằm lăn ra sàn.

3. Nhân thả bước dọc bờ sông. Đứng trên bờ nhìn xuống thấy lục bình ken kín, khuất lấp là những đám rong xanh dập dềnh. Mỗi buổi chiều trẻ con trong xóm thường ra bờ sông chơi đùa, rủ nhau vào rừng dừa chơi trận giả, rồi lội theo lạch nước tìm con ốc, con sò đến tối mịt mới chịu về.
Một cơn gió vô tình thổi ngược, lao xao từng đám lá vàng chạm đất. Nhân ngước nhìn xung quanh. Cảnh vật này quá đỗi thân quen nhưng không hiểu sao lòng anh bỗng nhiên da diết nhớ. Con đường anh đang đi, nối dài từ thành phố về biển được nâng cấp rộng thoáng, hai bên là những hàng cây, bồn hoa, tiểu cảnh. Đến mùa hoa, những sắc màu đan nhau dệt nên một khung cảnh vừa thanh bình vừa lãng mạn.

Nhân nhớ lại, chỉ mới ngày nào, xóm làng còn nghèo, cuộc sống người dân còn phụ thuộc vào mấy sào lúa, vạt rau, có người còn canh tác thêm dưa, bắp ở bãi bồi trên sông. Nhân từng theo mẹ ra bãi cắt cỏ về cho bò ăn, hay cùng cha chèo ghe vào rừng dừa chặt từng tàu lá về chằm lợp chuồng gà, chuồng heo, thưng vách căn bếp. Nhân từng trông về phía xa ngắm chiếc cầu cũ nối đôi bờ như trôi bồng bềnh giữa làn mây trắng. Anh ước được lên thị xã một lần, được đặt chân lên cầu, ngắm dòng sông xanh biếc, được dạo quanh phố phường. Anh nghĩ rằng những con đường chạy trong thị xã được cha mẹ quét dọn hằng ngày sạch sẽ và thoáng đãng hơn. Thế rồi, dịp lễ ấy, cha mẹ đưa anh đi chơi, chở anh chạy qua chiếc cầu. Lúc ấy, cảm xúc trong anh dâng trào.

4. Nhân lớn lên theo từng mùa nước của dòng sông quê. Cái xóm nhỏ yên bình rợp bóng dừa xanh đã vun đắp nhiều kỷ niệm. Người dân chân chất, mộc mạc, sống quần cư bên ruộng lúa, mảnh vườn. Qua sông mới có chợ, từng chuyến đò ngang lặng thầm sớm chiều đưa khách qua lại. Nhiều lúc Nhân nghĩ, phải xa cái xóm nhỏ này, chắc buồn nhớ lắm. Bởi mọi thứ xung quanh thân thuộc đến nỗi, chỉ một phản chiếu dù là ảo ảnh cũng đưa anh trở về, khơi thức trong sâu thẳm tâm hồn về những gì yêu thương nhất.

Thời gian cứ thế trôi đi, rừng dừa nước ngày càng vươn cao, rễ bám sâu vào lòng đất, trở thành kè giữ dòng, ngăn mặn. Và con sông quê, luôn cần mẫn, chắt chiu từng hạt phù sa vun bồi cho ruộng bãi phì nhiêu, luôn lặng lẽ chảy bên những cuộc đời bình dị, dầu dãi nắng mưa. Nơi ấy đã khắc khảm trong ký ức bao người về niềm nhớ chơi vơi của hình bóng quê nhà thân thuộc. Nơi ấy còn mở ra một khung trời mới để bao người hướng đến, dựng xây. Nhân yêu tha thiết mảnh đất nơi mình lớn lên, yêu từng gương mặt người dân chân chất, mộc mạc, đến nỗi suy nghĩ nếu phải ra đi để tìm miền đất mới khi nhiều cơ hội đến với mình chưa từng có trong anh.  

- Lớn lên con sẽ xây một chiếc cầu hiện đại!
Nhân thủ thỉ cùng cha khi đứng trên bến nhìn bà con nôn nóng chờ đò qua bên kia sông để đến chợ, hay vào thị xã. Là bởi trên dòng sông ngày đấy chỉ có một chiếc cầu tít phía trên kia. Bất tiện nhất là khi mùa lũ về, sông quặn mình, dâng sóng. Dòng sông như thể rộng ra, lênh láng chảy. Những đám lục bình bông tím bị con nước đục cuốn về phía biển.

 


Câu nói ngây thơ của cậu bé Nhân ngày nào nay đã thành hiện thực. Trên dòng sông quê hương không chỉ một mà có đến năm chiếc cầu lần lượt nối nhịp. Hơn ba mươi năm sau ngày tách tỉnh, cuộc sống người dân thay đổi từng ngày. Nhờ có những chiếc cầu, sự lưu thông và gặp gỡ của người dân đôi bờ đã có nhiều thuận lợi.

5. Nhân làm việc trên phố, nhưng cuối tuần thường chạy xe về nhà. Đêm trong căn phòng nhỏ, chiếu chăn thơm mùi nắng, anh đắm chìm trong ký ức miên man, lắng nghe từng nhịp sóng, hơi thở của dòng sông. Nhiều lần, dưới trăng thanh, anh trầm tư ngắm vẻ mặt của dòng sông khi mùa gió sắp về. Những cụm lá dừa phơ phất, những ánh lân tinh chợt hiện trong muôn vàn bí ẩn của màn đêm. Và giữa không gian hoang vắng ấy, tiếng chim gọi bầy vang cả vòm sông. Tiếng chim nghe sao lẻ loi quá. Nhân trở dậy, bước ra sân. Tiếng chim lịm một nỗi buồn, khắc khoải. Nhân dõi mắt vào rặng dừa, tìm kiếm. Cũng khá lâu, từ ngày lên thành phố ở, anh ít nghe tiếng chim cất lên từ những khu vườn tuổi thơ. Những trò chơi ngày bé, những hình ảnh thân quen khó gặp lại. Nhiều lần anh cảm giác hụt hẫng, tựa như mất mát điều gì lớn lao. Nhưng anh đã trấn an bản thân rằng đấy là quy luật để phát triển, để hướng đến những gì tốt đẹp nhất. Cũng như xóm chài mé biển, nằm trong diện di dời trả đất cho dự án làm bờ kè. Người dân chần chừ vì cha ông họ đã sống mấy đời ở đây, đến nơi khác liệu có tốt hơn không. Rồi xa biển, mất luôn nghề đánh bắt cá, họ làm gì để sống. Nhưng rồi mọi chuyện đã ổn định. Lòng sông được nạo vét, mở rộng, có bến neo đậu khi thuyền trở về sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi nghe báo có bão, có dông.

Nhân vẫn lắng nghe tiếng chim thả giọng đều đều vào màn đêm. Ngước nhìn lên trời, giữa không gian bao la là bóng tượng Phật uy nghi của ngôi chùa trên đỉnh núi đang trong quá trình hoàn thiện. Anh nghe nói, cũng như rừng dừa nước quê anh từ lâu đã trở thành điểm du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu lịch sử hấp dẫn, ngôi chùa lớn vào hàng bậc nhất này sẽ là khu du lịch tâm linh, là nơi chiêm bái, hướng đạo của du khách thập phương.

6. Nắng bỗng vàng như tơ óng, rải nhẹ trên mặt sông. Không gian buổi chiều tựa hồ chùng xuống, rời rợi một khúc sông. Con nước lao xao, gió vờn lay từng cụm lau lách. Nhân vẫn ngồi trên gờ đá phóng tầm mắt ra xa, thu trọn triền quê xanh ngút. Trong khung giờ vừa hoang hoải bởi thiên nhiên lắng đọng, vừa đầy vẻ hoài niệm của lòng người đã khiến Nhân bồi hồi. Anh đi ra bến, ngồi vào con đò cũ rồi nhẹ đưa mái dầm. Nhân thấy bao bộn bề nghĩ suy về công việc tan biến. Anh gác dầm, nằm gối đầu lên từng nhịp sóng vỗ, mơ màng. Cứ thế, con đò êm trôi trong miên man sông nước, trong dìu dịu gió lạnh, trong màu hoàng hôn lịm dần. Và trong ký ức êm đềm, xôn xao là điệu hò quê hương tha thiết và những hạt mưa nhẹ nhàng rơi đầy bến sông.

SƠN TRẦN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:55, 07/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.