Tác giả - Tác phẩm: THANH THẢO - với tác phẩm “Hoa ngũ sắc”

17:04, 15/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Hoa ngũ sắc” là tác phẩm thơ và tản văn của nhà thơ Thanh Thảo, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2024. Mở đầu là 37 tản văn chủ yếu xoay quanh những câu chuyện tản mạn về văn hóa, nghệ thuật. Mười sáu bài thơ trong tập thơ lần này, Thanh Thảo viết riêng tặng người vợ yêu quý của mình kể từ sau khi chị mất. Tác phẩm "Hoa ngũ sắc" ra đời đúng ngày tuần giáp năm của chị.

 

Phần Tản văn hầu hết là những bài viết ngắn gọn, súc tích mà đầy gợi mở, mang dấu ấn riêng của Thanh Thảo. Đầu tiên phải kể đến bài viết về tác phẩm “Hồ Chí Minh, thư gửi nước Mỹ” từ bức thư đầu tiên viết ngày 18/6/1919 tại Pari ký tên Nguyễn Ái Quốc đến bức thư cuối cùng trả lời Tổng thống Mỹ Nixon ngày 25/8/1969 viết tại Hà Nội (chỉ 9 ngày trước khi Bác mất). Đây “là một quyển sách quý để chúng ta tìm lại và thấu hiểu con đường cam go mà Bác Hồ và dân tộc ta, đất nước ta đã trải qua” (Những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ trong 50 năm: Kham nhẫn và quyết liệt).

Với các danh nhân lịch sử thời quá khứ, tác giả nhớ về ông quan “khiêng võng” Lê Đại Cang và anh hùng Trương Định (Đi phượt để học hỏi và cảm thấu). Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến những danh nhân, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thế giới. “Quy luật của muôn đời” là một tác phẩm nổi tiếng của Nodar Dumbadze - một nhà văn lớn của nước cộng hòa Gruzia (Quy luật của muôn đời, quy luật của một đời).

Những danh ngôn, câu thơ nổi tiếng của họ được Thanh Thảo nhắc tới để làm nền cho những tản mạn của mình: “Đời người như ngồi trên chiếc xe đạp. Chỉ có đi thì mới khỏi ngã” của Albert Einstein, “Hãy sống, sống và cứ thế/ Sống và cứ thế, đến cùng” của B. Pasternak (Nếu ta không bước đi). Thanh Thảo còn nhắc đến Louis Aragon, Paul Eluard, Eduard Georgevich Bagritsky... (Thơ trong ngôi nhà chung ấy); Ethel Lilian Voynich - tác giả tiểu thuyết “Ruồi Trâu” nổi tiếng (Vườn nhà ta im lặng quá); Trương Nhược Hư, Bạch Cư Dị, Tvardovsky, Octavio Paz (Thơ mê hoặc bằng sự thức tỉnh)...

Đối với các nhà thơ trong nước, Thanh Thảo cho rằng: “Cho tới bây giờ tôi vẫn nghĩ, Cao Bá Quát là một trong ba nhà thơ lớn nhất Việt Nam (hai người kia là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du), còn nếu ở top five (chọn ra 5 nhà thơ) thì phải có Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương” (Sáng tác trong nghèo khổ). Thế hệ Thơ Mới, anh đã nhắc đến những kỷ niệm, cảm nhận về Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Vỹ, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt...

Thế hệ chống Mỹ có Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo... và sự hiện diện của nhà đạo diễn phim - Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh, danh ca vọng cổ - Nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến... Viết về cố đại tá Khương Thế Hưng (con trai của nhà thơ Khương Hữu Dụng), Thanh Thảo tiết lộ một chi tiết đặc biệt về mối tình của người lính này với bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Khi anh Khương Thế Hưng, trong nhật ký của mình đã thốt lên: “Anh đuối sức và anh đau khổ” lúc hay tin chị Đặng Thùy Trâm hy sinh, thì trang nhật ký ấy chỉ mình anh biết, mình anh giữ riêng cho mình. Như chị Thùy Trâm từng giữ quyển nhật ký của chị cho riêng mình, chỉ sau khi chị hy sinh 35 năm, cuốn nhật ký lưu lạc này mới lần đầu được tới với hàng triệu người đọc Việt Nam, và sau đó, tới với bao nhiêu người đọc nhiều quốc tịch trên thế giới” (Ngọn gió cuộn trên nỗi đau ngày ấy). 

Nhiều bài trong tập sách, Thanh Thảo cũng đã nêu lên những quan niệm thơ theo cách riêng mình: “Nếu “những con cá nhỏ” có thể làm nên một bữa cơm ngon, thì tại sao không, những ngôn từ bé bỏng, giản dị, như lời ăn tiếng nói hàng ngày, những ngôn từ của mẹ ta, của vợ ta, lại không thể tạo nên một bài thơ hay?” (Thơ và những con cá nhỏ)...

Mười sáu bài thơ ở phần Thơ trong tập sách này được Thanh Thảo viết sau ngày người vợ yêu quý của anh qua đời. Trong cuộc đời một nhà thơ, viết thơ riêng tặng vợ mà đến gần 20 bài (kể cả những bài trước khi chị mất) thì quả là một trường hợp xưa nay hiếm! Anh xem vợ là người mẹ thứ hai của mình: “suốt 44 năm (từ 1979) em là người mẹ thứ hai/ những tảo tần thuở mình nghèo khổ/ không có em thì lấy ai gánh đỡ” (Em là người mẹ thứ hai). Anh thú nhận khi vợ mất đi: “với anh thế là hết/ một nửa anh chưa tới hồi kết/ nhưng còn ý nghĩa gì khi mất nửa em” (Khi một nửa em đi rồi).

Anh cảm nhận đớn đau rằng: “khi em đi rồi/ anh rời rạc cả tâm hồn và ý nghĩ/... giờ anh như con suối dần cạn nước/... như chiếc lá gió thổi bay không định hướng” (Anh rời rạc cả tâm hồn và ý nghĩ). Đó là lúc: “Nỗi đau bước vào nhà mình không tiếng động” (Mồ côi). Đọc những câu thơ này, ta có cảm giác anh đang vừa viết vừa khóc: “nhớ hồi ăn tô bánh này/ còn chồng còn vợ đủ đầy bên nhau/ bây giờ biền biệt sông sâu/ cõi nào em tới cõi nào anh chưa” (Bánh canh cá lóc)...

Cái riêng và cái chung quyện hòa trong toàn bộ tác phẩm dù là thơ hay tản văn với cách thể hiện rất riêng của người viết, “Hoa ngũ sắc” là một tác phẩm mà qua đó ta hiểu thêm một khía cạnh khác của sự nghiệp văn chương Thanh Thảo.

MAI BÁ ẤN

Xuất bản lúc: 17:04, 15/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.