Tác giả - Tác phẩm: Thơ Nguyễn Viết Lãm - Kể chuyện quê nhà

22:57, 10/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thơ Nguyễn Viết Lãm xuất hiện khắp các mặt báo trước năm 1945 và sau năm 1945. Thơ của ông mang đến cho bạn đọc rất nhiều câu chuyện kể thú vị quê nhà. 

 

Nguyễn Viết Lãm sinh năm 1919, tại Nghĩa Lộ (nay là phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi). Ông mất năm 2003 tại TP.Hải Phòng. Nguyễn Viết Lãm còn có các bút danh khác như Hạnh Đàn, Việt Chi, Thạch Bích, Tường Khanh... Ông bôn ba nhiều nơi, từng trải nhiều vị trí công tác. Bút danh Thạch Bích như điểm tựa nhắc nhở ông không quên nơi đã sinh ra mình, đất mẹ Quảng Ngãi đã nuôi dưỡng một hồn thơ phóng khoáng, dạt dào. 
Năm 1935, Nguyễn Viết Lãm đến Quy Nhơn học tập tại Trường Quốc Học - Nơi ươm mầm, nuôi dưỡng nhiều tài năng văn chương như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Vỹ, Quách Tấn, Yến Lan... Tại đây, ông tham gia vào nhóm thơ Quy Nhơn, đồng hành cùng các nhà thơ này trên con đường tìm tòi phương hướng để phát triển và định hình phong cách thơ ca giai đoạn giao thời. Năm 1938, Nguyễn Viết Lãm về lại Quảng Ngãi dạy học, đồng thời công tác trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội Văn nghệ Việt Nam và Hải Phòng. Nguyễn Viết Lãm đã khẳng định tài năng và cống hiến cho văn học - nghệ thuật nước nhà với gia tài thơ ca, nghiên cứu khá phong phú, gồm 11 tập thơ, 8 tập sách gồm đủ thể loại như nghiên cứu, truyện ngắn, ký, dịch thơ của các tác giả nước ngoài... Nhà thơ Hữu Thỉnh từng phát biểu: “Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm xứng đáng với vai trò trí thức ưu tú của cách mạng và nhân dân, với những cống hiến cho văn học cách mạng, những đóng góp của người làm công tác lãnh đạo văn học cách mạng”.

Tuy xa Quảng Ngãi khá lâu nhưng hồn thơ Nguyễn Viết Lãm luôn hướng về quê xa với những ấn tượng văn hóa sâu đậm. Hình ảnh bờ xe nước, dòng sông Trà, núi Ấn cứ lặng thầm chảy mải miết trong thơ ông như niềm yêu không thể nào phai mờ. Dường như sự chia cách lại khiến tình đất tình quê thêm dào dạt đêm ngày: "Có ai đành nhớ tới cảnh phân ly/ Đất nằm đây thương nhớ đất trong kia/ Duyên nồng bao thế kỷ/ Lòng đất vẫn tương tư” (Nhớ đất). Nỗi lòng ly hương thấm qua từng lời thơ, ý tình da diết. Niềm yêu ấy càng dâng lên mãnh liệt khi ngẫm nhớ về những kỷ niệm với mảnh đất quê nhà. Nỗi nhớ đằm sâu, dào dạt nhất có lẽ Nguyễn Viết Lãm dành riêng cho dòng Trà giang. Dòng sông hiện thực hay dòng sông của tâm cảm ký ức đều loang loáng màu sóng nước sông quê: “Tôi nằm đây lòng khát quê hương/ Thiếu tiếng bờ tre trưa gió nồng/ Trà Khúc vẫn nguyên lòng sỏi trắng/ Mưa chiều nắng quái xế ngang sông” (Trưa bệnh viện). Dòng nước mát lành như vỗ về tim yêu của con người luôn vọng hồi cố hương, dẫu có cách xa muôn trùng hải lý. Nỗi nhớ sông quê gắn liền với ấn tượng về dòng sông chở nặng sỏi trắng. Dẫu mưa chiều, nắng quái vẫn dạt dào, xao động trong tâm cảm nhà thơ. Con sông ấy vẫn khắc khoải khi núi cách núi, sông cách sông, nhưng lòng người chưa bao giờ thôi nhung nhớ: “Ôi nghìn trùng khói phủ thấy gì đâu/ Núi nhớ thương núi cũng bạc đầu/ Muốn nhìn tận buồng không thiên lý kính/ Cửu Long Trà Khúc lòng chưa tạnh/Tình chị duyên em mấy độ đường” (Trăng thanh tân). Bất cứ lúc nào nhắc đến cái tên Trà Khúc, nhà thơ cũng dành bao niềm thiết tha, thương mến, cứ như dòng máu trong tim mình đã quyện hòa cùng con sông muôn thuở.

Trong sâu thẳm tâm hồn Nguyễn Viết Lãm, từng kỷ niệm gắn liền với thời gian sinh sống ở quê nhà chưa bao giờ ông nguôi nhớ. Từng nếp sinh hoạt của bà con chốn quê nghèo, những kỷ vật gắn với đời sống lao động của người dân quê vẫn luôn khắc khoải trong tâm hồn của ông. Đó là bờ xe nước đặc trưng của những người gắn bó với ruộng đồng: "Ruộng xanh sớm tối đi về/ Xe sông chở nước, trưa hè lên cao" (Tiếng hát đồng quê). Nhắc đến quê nhà ruộng đồng, người Quảng Ngãi không ai không biết đến bờ xe nước, một nông cụ quan trọng đưa nước vào các kênh mương tự chảy vào đồng ruộng. Bờ xe nước đã trở thành biểu tượng cho sức sáng tạo và tinh thần miệt mài lao động của người nông dân xứ Quảng, và nó đã hóa thân vào tâm cảm của nhà thơ sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất này một cách tự nhiên, nhuần nhụy như ca dao, như lời ru của mẹ.

“Nguyễn Viết Lãm thuộc thế hệ những nhà văn nhiệt huyết, giàu tri thức và đa tài ngày nay rất hiếm hoi, mà chỉ đến khi họ mất đi rồi ta mới thấy hết giá trị lớn lao của họ. Và ta cũng thấy một điều đáng buồn là không thể lấp đầy khoảng trống vắng khi không còn họ” Nhà văn Bão Vũ đã nhận xét rất thấu đáo về bậc tiền bối của mình. 

Nguyễn Viết Lãm là một nhà thơ thuộc thế hệ tiền chiến có nhiều đóng góp cho sự nghiệp thơ ca nước nhà nói chung và thơ ca Quảng Ngãi nói riêng. Những nỗi niềm, trăn trở của ông về quê hương xứ sở đã được gửi trọn vào thơ bằng tất cả sự yêu thương, trân trọng nhất.

VÂN ĐAM

 

Xuất bản lúc: 22:57, 10/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.