Truyện ngắn: Nắng biển

22:46, 27/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đổ hết con dốc rẽ trái, rộng và thẳng là con đường thênh thang dưới bóng cây bàng. Cây bàng lặng lẽ giấu thời gian trong những chiếc lá xanh. Những chiếc lá như nét son môi người đàn bà đứng tuổi. Khi người ta đứng tuổi hay nuôi dưỡng chút trẻ trung. Lá bàng xanh mướt, mà thân rễ đã xù xì. Những chiếc rễ quanh co bám vào kẽ đá. Những phiến đá tình cờ chôn chân làm cuộc hẹn hò. Đá trơ trụi, sần sùi, bóng láng, đủ cả. Đá bền bỉ giữ chặt gốc bàng như những mối tình quê đời đời, kiếp kiếp. Đá ngăn sự cuồng nộ biển khơi... Biển muôn đời dịu dàng và hung dữ. Có khi trong veo, có khi xám xịt, có khi xanh đến nao lòng.

Phía cuối con đường có một căn nhà. Căn nhà lợp ngói âm dương rêu mốc, tựa lưng vào núi, hiên ngang vững chãi. Người đàn ông bước ra, đi vào, rồi lại bước ra. Đấy là người râu, tóc lồm xồm, trên vai khoác túi lưới. Lần này dứt khoát, hắn bước xuống hai bậc đá dẫm lên bờ sỏi lạo xạo. Hắn nhìn biển, nhìn trời, nhìn mông lung. Những con sóng hồn nhiên vỗ bờ như bao đời nay vẫn thế. Những viên đá phó mặc thời gian số phận, cho cách sắp xếp tự nhiên, hỗn độn từng đợt sóng xô, tạo ra chuỗi âm thanh rào rào bèo bọt. Chọn một tảng đá to, hắn leo lên, trầm ngâm châm lửa hút. Nếu không có túi lưới trên vai, không ai nghĩ hắn là một ngư dân thực thụ. Một ngư dân từ đời ông cao, ông cố đến giờ. Hắn trông như một nghệ sĩ đang lạc vào vùng trời nghệ thuật. Tóc dài rối tung theo gió, mắt hắn xa xăm.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Còn nhớ, lên năm, lên bảy, ở truồng nhông nhổng, chạy tới, chạy lui trên con đường ngập bóng cây bàng, hắn đã nghe cha kể nhiều về biển. Những đêm trăng sáng, mắc võng dưới gốc cây, cha không hát, không ru, nhưng giọng kể đều đều hòa tiếng sóng làm hắn dễ dàng thiu thiu giấc ngủ. Câu chuyện lúc mất, lúc rõ,  chập chờn, lâu dần hắn cũng chắp nối lại để hiểu rằng biển cả muôn đời bí mật và không ai có thể hiểu hết dưới đáy đại dương ẩn chứa điều gì. Cho đến khi đối mặt với biển, mỗi người đều nhận cho mình câu trả lời riêng. Hắn nghe kể, ông của hắn là người xóm Lá Ngái, vượt sóng ra khơi trên chiếc thuyền nan mỏng mảnh bằng cánh buồm nâu, lặn hải sâm ngoài đảo xa, danh tiếng nhất vùng. Khi ông được sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nhận chiếu chỉ triều đình nhà Nguyễn, hằng năm cứ tháng Ba đi, tháng Tám về. Ông trở thành người dày dạn biển khơi. Nhìn dòng hải lưu chuyển động trên mặt biển, nhìn rạng vảy cá lưng trời khắc biết gió to, bão lớn sắp xảy ra. Kinh nghiệm đó ít nhiều đã truyền lại cho cha hắn. Nhưng ai có thể hiểu được bất ngờ của biển? Mối hiểm nguy luôn rập rình đe dọa, giữa sự sống và mất mát cách nhau chỉ tấm ván thuyền. Bước chân xuống thuyền khí khái ngạo nghễ, ông hiên ngang trước đầu sóng ngọn gió. Chỉ có bà quay mặt về phía con đường, kéo vạt áo nâu lau khô gò má. Lần ấy, chuyến đi của ông là chuyến viễn du. Một chuyến viễn du mãi mãi vào lòng biển cả. Mộ của ông được dựng trên đồi dương gần cánh đồng làng. Xóm Lá Ngái gọi mộ gió ông Cửu. Ở biển gió thừa vô kể. Nếu không có gió mang theo hơi thở mặn mòi, làm sao cảm nhận về biển. Nếu không có trận gió to đẩy những đợt sóng điên cuồng làm sao ta biết sự giận hờn biển cả. Nhưng  “mộ gió” là nỗi đau khôn cùng. Là tiếng thở dài buồn thương u uất kiếp người. Nhưng đó, cũng là niềm an ủi, tự hào. Cạnh mộ gió ông Cửu còn nhiều ngôi mộ khác. 

 Mang dòng máu hào hùng của cha ông, hắn luôn là niềm kiêu hãnh của gia đình. Cũng trong một chuyến ra khơi, bây giờ không còn là chiếc thuyền nan. Là con tàu hơn chín mươi mã lực, cầm đầu đội hùng binh chinh phục đại dương. Cha hắn đã đi, đã về. Đội thanh niên trai tráng như dấu gạch nối giữa làng chài Lá Ngái với đảo khơi xa. Biển bỗng dưng gió nổi. Chiếc tàu của những người thợ lặn đã nhổ neo quay lái. Không kịp nữa rồi. Những đợt sóng to bổ xuống rào rào. Tàu ngả nghiêng chao đảo. Những thuyền viên buộc tay nhau bằng chiếc dây thừng. Trong giờ phút tử sinh này không ai nói ra, nhưng họ đều không muốn làng Lá Ngái có thêm ngôi mộ gió nào. Ba ngày sau, biển im gió lặng, người ta cứu vớt được những thuyên viên bu bám vào tấm ván thuyền... Đến lượt hắn, dòng máu chinh phục đại dương lại sôi lên. Hắn không bao giờ có ý từ bỏ biển khơi. Biển khơi luôn  mê hoặc cuốn hút. Và rồi hắn lại lên đường. Cùng với đội thợ lặn làng chài, hơn hai mươi năm, hắn trở thành “sói biển”. Biển với hắn như cái ao nhà. Những đêm nằm gác tay lên trán, tiếng sóng biển nghe như điệu nhạc gọi mời.

Vợ hắn, người con gái xóm chài, có nước da rất biển, mặn mòi và kín đáo. Là đôi bạn nhảy lò cò, bắt sò ngày xưa. Họ thành thân nhau dưới ánh trăng làng. Làng Lá Ngái yên ả, hiền hòa. Sự kết hợp lứa đôi này đã cho ra đời những đứa trẻ hồn nhiên. Những đứa trẻ lớn lên hít thở mùi biển khơi mà vạm vỡ tâm hồn. Hắn yêu vợ và yêu biển như thể không đời nào mất một trong hai. Những lần ra khơi, vợ hắn không quên bỏ trong hành trang người thợ lặn can nước mắm. Những chén nước mắm mặn thơm, thấm từng khúc ruột trước khi hắn lặn sâu một đêm chập chờn giấc ngủ,  bỗng “rầm”. Một cú va chạm bất ngờ. Hắn choàng tỉnh. Chiếc thuyền vỡ đôi, nước tuôn xối xả. Trong đêm tối mông lung, vớ can nhựa, ván thuyền, bất cứ cái gì có thể bám víu. Và họ đã trôi dạt cho đến tận bình minh. Một chiếc thương thuyền đi qua, bảy người thợ lặn được cứu sống. Mãi đến hai tuần sau họ mới đặt chân lên mảnh đất quê nhà. Riêng hắn lần trở về này là đối diện với mất mát đau thương. Vợ hắn ra đi khi hắn còn nổi trôi trên chiếc thương thuyền có quốc tịch lạ hoắc lạ huơ nào đó. Lần vượt cạn cuối cùng vợ hắn không qua khỏi.

Buổi chiều, trên đồi dương lồng lộng. Nén nhang nghi ngút khói, theo gió bay xa như mang theo những nỗi niềm riêng. Hắn lặng yên bên mộ vợ nghe những đợt sóng đau thương dâng kín tâm hồn. Tấm di ảnh trên mộ bia, với đôi mắt dịu hiền nhắc nhở hắn, đã qua rồi một thời hạnh phúc. Cái hạnh phúc mong manh treo đầu con sóng.
Lâu rồi hắn không ra khơi, không phải vì ngại gió to, sóng cả hay “tàu lạ” đâm chìm, nhưng vì những đứa con còn nhỏ quá.  Nhiều đêm nằm nghe sóng vỗ mà nhớ biển không nguôi.

Sáng nay, dỗ đứa nhỏ ngủ, hắn vác túi lưới ra biển. Nhìn biển khơi mà lòng hắn nao nao. Biển một màu xanh biếc. Từng con sóng nối nhau liên tiếp vỗ bờ. Vài con cá đối, cá đục đang vờn theo sóng. Còn nhớ trong những lần quăng lưới gần bờ, đánh bắt những con cá đục. Cá đục thon dài giống như cá bống nước ngọt nhưng lớn hơn một chút. Cá đục kho tiêu khác gì cá bống. Hắn làm quà cho vợ mớ cá kho khi sinh thằng con trai lớn. Những lần quăng lưới, vợ hắn lắc lư cái bụng đi trên mé cát, thỉnh thoảng bốc cục đá ném tung nước biển. Hắn cười giòn tan gỡ những con cá trắng phau.

Bây giờ cũng tay lưới này mang ra chỗ cũ nhưng chỉ mình hắn với biển thôi. Nếu ai đó nói “một cộng với một thành đôi”, hắn đã cộng cô đơn thành biển.
Nắng đã lên, biển ngời màu trắng bạc mênh mông. Phía khơi xa, ở đó những hòn đảo quê hương. Có những nắm xương của cha ông vùi trong biển mặn. Bỗng dưng hắn thấy môi mình có mùi muối biển trong màu nắng rưng rưng...

THOẠI VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:46, 27/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.